Từ khi “bén duyên” với nghề trồng chuối chất lượng cao, nhiều nông dân ở một số huyện của Hà Nội như Phúc Thọ, Gia Lâm… có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm
Vài năm trở lại đây, cây chuối trở thành cây trồng chủ lực của xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Cây trồng này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ổn định thu nhập mà còn cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Là một trong những hộ đi đầu trong nghề trồng chuối ở xã Vân Nam, sau 6 năm trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Dậu đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Hiệu quả của cây chuối ở vùng đất này thì khó cây nào so được. Ngoài việc thu quả, cây chuối còn được tận thu lá, thân, củ để phục vụ chăn nuôi rất hiệu quả nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi, tham gia trồng nhiều” – ông Dậu chia sẻ.
Bà Đặng Thị Năm – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Vân Nam cho biết, cách đây 5 năm, được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Hà Nội, bà con Vân Nam đã chuyển sang trồng giống chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan. “Đến nay, toàn xã có trên 70ha chuyên trồng chuối tại vùng đất bãi, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 400 – 450 triệu đồng/năm. Năm qua, giá trị thu nhập từ trồng cây chuối toàn xã đạt 26 tỷ đồng. Sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận nhãn hiệu tập thể” – bà Năm chia sẻ.
Tương tự, nông dân xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng làm giàu từ mô hình trồng chuối chất lượng cao. Ông Đỗ Văn Thưởng – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bi cho hay, trong số 50ha đất bãi chuyên trồng màu của xã, đến nay nông dân Cổ Bi đã chuyển đổi khoảng 30ha sang trồng chuối tiêu hồng. Cây chuối đã trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa và hoa màu.
“Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, trong 2 năm 2015 và 2016, nhiều diện tích chuối của xã đã được áp dụng quy trình trồng VietGAP và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là dấu mốc quan trọng giúp thương hiệu chuối của địa phương khẳng định được vị trí của mình với các sản phẩm nông sản nổi tiếng khác của Thủ đô” – ông Thưởng khẳng định.
Tuân thủ đúng quy hoạch
Dù rất tiềm năng về kinh tế song sản phẩm chuối của bà con trồng ra chủ yếu bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc và bán ở các chợ nhỏ, lẻ tại Hà Nội nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Phạm Văn Minh – một hộ dân trồng chuối ở xã Vân Nam cho rằng: “Do bán tự do nên sản phẩm chuối của chúng tôi vẫn phụ thuộc nhiều vào lái buôn. Có thời điểm khan hàng họ thu mua giá cao, có vụ sẵn chuối họ ép giá khiến việc tiêu thụ chuối của bà con gặp nhiều khó khăn. Mong rằng, trong thời gian tới thành phố sớm có biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc định hướng thị trường và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để chúng tôi yên tâm mở rộng diện tích”.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố có hơn 3.176ha chuyên canh tập trung trồng cây chuối ở vùng đất bãi thuộc các huyện Thường Tín, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ… với sản lượng chuối bình quân đạt gần 70.450 tấn/năm.
Được biết, để hỗ trợ nông dân ngoại thành phát triển hiệu quả nghề trồng chuối, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, trong 6 năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai 52 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối với hơn 2.800 lượt nông dân tham gia; đồng thời, mở rộng 420ha trồng chuối nuôi cấy mô. Mục tiêu, đến năm 2020, Hà Nội sẽ mở rộng khoảng 4.000ha trồng chuối chất lượng cao.
Bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho hay để mô hình trồng chuối chất lượng cao phát triển bền vững, trong các năm tới ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi sản xuất khép kín nhằm ổn định đầu ra cho nông dân. /.