Chuối nuôi cấy mô cho năng suất cao hơn 20–30%
Nhờ trồng chuối nuôi cấy mô anh Thành xây được nhà lầu, sắm xe hơi và có cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Hiện sản phẩm từ chuối cấy mô đang trên đường “xuất ngoại” và thị trương trong nước cũng hào hứng đón nhận.
Anh Phạm Năng Thành (SN 1979, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) được biết đến là người trồng chuối thành công nhất tỉnh Hưng Yên. Trước khi có được cơ ngơi của một “ông vua” chuối tiêu hồng như hiện tại anh đã có một quãng thời gian dài bươn trải kiếm sống trên thành phố. Anh từng làm xe ôm rồi làm phụ hồ cho các công trường xây dựng. Năm 2003, anh trở về quê với quyết tâm làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.
Năm 2006, khi được biết Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai mô hình trồng thử nghiệm chuối tiêu hồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tại vùng đất bãi Khoái Châu cho kết quả rất tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác, anh Thành từng bước lân la tìm hiểu mô hình trên và tập trung vào đầu tư, áp dụng kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng, chuối tây từ cây giống cấy mô.
Các nghiên cứu và mô hình thực nghiệm cho thấy, với giống chuối tiêu hồng được nhân bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, trong điều kiện trồng thâm canh, giống bắt đầu trổ bói sau trồng 8 tháng và cho thu hoạch sau trồng từ 13-15 tháng. Từ thực tế áp dụng anh Thành cũng thấy rằng, chuối cấy mô cho năng suất cao hơn 20-30% so với chuối trồng bằng cây con lấy từ gốc cây mẹ.
Theo TS Trần Ngọc Hùng – Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả: “Sở dĩ giống cây tạo từ công nghệ nuôi cấy mô cho năng suất cao vì ngay từ khi tạo ra số lượng cây đồng đều và trải qua quá trình sàng lọc cây mẹ rất kỹ nên sức đề kháng với các loại bệnh tốt hơn, hình thức quả cũng đẹp hơn”.
Nói về kỹ thuật này, anh Thành cho biết, cây chuối khi mới đem về cao khoảng 5–10cm, trong năm đầu cây giống được tách từ cây mẹ, sau khi tách cây mẹ tiến hành gọt sạch hết rễ, sau 3-4 ngày đem trồng, bón lót vôi bột và lân đơn trong hố. Cứ khoảng 2 tháng cho bón lót một lần, kết hợp tưới nước đều đặn, thường xuyên cắt ngắn cây con, lá khô, cỏ dại, tuyệt đối không được bón các loại phân động vật. Khi buồng chuối ra hết nải nên ngắt hoa chuối, chọn thời tiết khô không mưa, gò buồng tạo vuông góc, chằng dây chống bão, trùm bao nylon nếu chuối trổ hoa vào tháng 9-10-11 âm lịch.
Để nâng cao hơn nữa năng suất cây chuối, anh Thành bắt đầu sản xuất chuối theo hướng VietGap từ cuối năm 2014. Đầu tư công nghệ nước tưới tự động, giàn phun mưa, nước được lấy từ độ sâu 40m không nhiễm chì, nhiễm sắt. Hệ thống này giúp giảm lượng phân bón, giảm công lao động mà hiệu quả lại cao. Trung bình 3 đến 4 ngày hệ thống tưới nước tự động lại được bật lên một lần. Khu xưởng sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu với hệ thống xử lý bảo quản sơ chế hiện đại, những thùng chuối xếp đều và đẹp mắt. Đầu năm 2015, anh được cấp giấy chứng nhận sản xuất 30 hécta trồng chuối theo hướng VietGap, với 1.500 tấn chuối/năm.