Trong khi nhiều vườn chuối tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm giá và ế ẩm thì chuối tại trang trại ở Long An, Tây Ninh vẫn xuất khẩu đều đặn, giữ giá.
Những ngày này, chuối ở nhiều nơi thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu giảm giá chỉ còn vài ngàn đồng mỗi kg, thậm chí bán không được. Nhưng tại trang trại chuối của Công ty Huy Long An ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, chuối vẫn xuất đều đặn, giá cả không có gì biến động so với trước, hiệu quả kinh tế từ chuối vẫn cao. Cùng một loại chuối, cùng xuất sang nhiều thị trường, trong đó có Trung Quốc, tại sao nơi xuất được nơi không?
Cùng là người trồng chuối với nhau, những ngày này, hơn ai hết, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, cũng cảm thấy xót xa cho nông dân đang phải bán đổ bán tháo công sức của mình trên vườn chuối. Nhưng giúp thì ông khó mà giúp được gì ngoài việc mong muốn các ngành chức năng làm tốt vai trò trung gian giữa nông dân với thị trường xuất khẩu nông sản. Bởi theo ông Huy, thị trường không thiếu nhưng phải kết nối được để tổ chức quy trình sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của từng thị trường.
Trang trại Huy Long An có khoảng 180ha chuối, mỗi tuần đang xuất 4 container chuối mang thương hiệu FOHLA (fruit of Huy Long An) sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá không biến động so với những tháng trước.
Tháng 3 tới, sản lượng chuối xuất khẩu của Huy Long An dự kiến tăng gấp đôi và ông Huy rất tự tin với mặt hàng này. Sở dĩ chuối FOHLA xuất ổn định, vào được cả thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản là vì trang trại đã đầu tư quy trình sản xuất chuối VietGAP, sạch, đủ tiêu chuẩn từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng, từ giống – trồng – chăm sóc – thu hoạch – đóng gói – bảo quản- xuất khẩu.
Ông Huy đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho hai vùng trồng chuối của mình. Ông cho rằng, chuối của Việt Nam không thể thiếu thị trường Trung Quốc nhưng nhất thiết phải đảm bảo quy trình sản xuất sạch để xuất sang thị trường này thì vẫn phải có giá cao. Nghĩa là, đừng vì thị trường dễ tính mà tự hạ giá nông sản của mình.
Vấn đề là, theo ông Huy, “tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa như thế nào, người khách đó là ai, phân khúc khách hàng ở đâu. Cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc phải nói cho người sản xuất hiểu rằng phải làm hàng gì mới bán được ở đó; lúc đó mới mong bền vững được., kể cả với các thị trường khác cũng vậy”.
Thật ra ông Võ Quan Huy mới thành công với cây chuối khoảng 2 năm trở lại đây. Nhưng kinh nghiệm ông có được về quy trình sản xuất, tìm thị trường xuất khẩu thì được tích lũy từ nhiều năm trước, sau nhiều lần thất bại với các cây trồng khác.
Khi thử nghiệm cây chuối trên vùng đất phèn ở Đức Huệ, Long An, ông Huy cũng được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh. Giờ có thể nói là có những thành công bước đầu với cây chuối trên đất phèn. Nhưng để mở rộng diện tích hay nhân rộng mô hình này thì cả ông Huy và những cán bộ nông nghiệp của Long An vẫn đang giải bài toán cung- cầu cho thật thấu đáo.
Bài học sản xuất nông sản phải gắn với thị trường tiêu thụ chưa bao giờ là cũ. Sản xuất hiện nay nhất định phải theo công nghệ cao, tối thiểu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: “Long An hiện nay còn rất nhiều đất phèn có khả năng trồng chuối. Nhưng điều kiện nông dân Long An còn nghèo, chưa có vốn để đầu tư như mô hình của ông Huy nên tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng. Đồng thời tỉnh vận động ông Huy tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường thì mới có thể mở rộng trồng chuối”.
Theo ông Huy, tại Trung Quốc hiện vẫn đang là mùa thu hoạch chuối nên thị trường này hạn chế nhập chuối của Việt Nam cũng là dễ hiểu. Năm ngoái cũng đã diễn ra tình trạng này. Cho nên, một lần nữa lại phải đặt vấn đề: nông dân cần sản xuất chuối theo quy trình sạch, đạt được những quy chuẩn nhất định để có thể mở rộng thị trường, điều tiết sản xuất theo mùa để sản lượng chuối không bị quá dư thừa như hiện nay…. Tất cả những điều này nhất thiết phải có cơ quan nhà nước làm trung gian.
“Hiện nay, trong chương trình thay đổi nền nông nghiệp của Việt Nam, ai là người đi giới thiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài? Phải là cơ quan của Chính phủ. Đi đàm phán, mở rộng thị trường, các điều kiện kiểm dịch động vật, thực vật…nói chung phải là nhà nước đứng ra làm”- ông Huy nhấn mạnh.
Sản xuất sạch, sản xuất theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường, sản xuất gắn với đầu ra tương đối ổn định… luôn là mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong đó có cây chuối. Đã đến lúc xem lại, việc sản xuất khoảng 130.000 ha chuối của Việt Nam nên dao động như thế nào cho phù hợp./.