Với giải pháp luân chuyển hố trồng chuối già hương để tăng năng suất và tránh bệnh tuyến trùng rễ, ông Lê Hoàng Oanh (thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 – 2017).
Sau gần chục năm trồng chuối già hương, ông Oanh nhận thấy, cây chuối thường chỉ cho năng suất cao trong khoảng 2 năm đầu. Năm đầu tiên, buồng chuối già hương có thể đạt 12 nải. Năm thứ hai, cây mẹ đẻ ra nhiều cây con, số buồng cũng tăng thêm. Tuy nhiên, từ năm thứ ba, khi các cây con tạo thành bụi chuối um tùm, mật độ trồng dày đặc thì bắt đầu có hiện tượng thân cây kém phát triển, hoặc vẫn cho buồng nhưng buồng chuối ít nải, trái nhỏ.
Đặc biệt, gốc bụi chuối bắt đầu xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ, thường biểu hiện là rìa lá vàng, cuộn lá, không thể cung cấp dưỡng chất nuôi cây và trái. Do các cây ở gần nhau nên bệnh lây lan nhanh từ cây này qua cây khác.
Vì vậy, từ năm thứ ba, thu nhập từ vườn chuối già hương gia đình cứ giảm dần, có năm chỉ được chừng 30 triệu đồng. Không bỏ cuộc, ông Oanh tích cực tìm hiểu, từ đó cải tiến cách trồng chuối già hương trên diện tích 1.200m2 đất nhà. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật này là luân chuyển hố trồng sau lần thu hoạch thứ 2. Qua 3 năm áp dụng thực tế, kỹ thuật này đã chứng minh hiệu quả.
Theo ông Oanh, mỗi bụi chuối già hương, tốt nhất chỉ nên thu hoạch 2 lứa, sau đó phải phá bỏ hố cũ, chọn cây con khỏe mạnh chuyển sang hố trồng mới. Mỗi bụi chuối chỉ nên giữ lại 2 cây con khỏe nhất, còn lại chặt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho cây. Đối với hốc cũ, ông cuốc xới, rải vôi để bệnh tuyến trùng rễ không lây lan.
Để luân chuyển hố trồng, ngay năm đầu tiên, sau khâu làm đất, ông chú ý bố trí phân chia khoảng cách hố trồng. Ngoài các hố được bố trí thẳng hàng cách 2 – 3m để trồng chuối trong năm đầu, ông còn dự trù đặt hàng hố xen kẽ so le giữa 2 hàng hố trồng năm đầu để luân chuyển cho năm sau. Hố nên sâu 0,5m, rộng 0,5m, dài 0,5m, được bón phân chuồng và vôi rồi trồng cây con vừa ra 3 lá vào, tưới đậm một lần, sau đó tưới phun. “Trước đây, để cung cấp nước cho cây, nông dân thường dẫn nước vào vườn chuối già hương cho ướt đất.
Nhưng cách làm này dễ làm bí đất. Cây chuối thường bị rệp sáp trên buồng. Để trừ bệnh, nông dân thường phải mua thuốc, vừa tốn kém, vừa hại sức khỏe. Tôi phát hiện ra loại rệp sáp này rất kỵ nước. Do đó, nếu phun tưới cho trôi xuống đất, chúng sẽ chết hết, đất cũng được thông thoáng, chưa kể tưới lên lá và buồng cũng giúp trái chuối mau to hơn”, ông Oanh chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, biết cây ngò gai không ưa ánh nắng, nên khi cây chuối già hương phát triển đến tháng thứ ba, xòe lá rộng, ông Oanh còn trồng xen canh thêm ngò gai để tăng thu nhập. Trong điều kiện bóng mát, cây ngò gai phát triển khá tốt, cứ nửa tháng có thể cắt bán một lần.
Với cách làm này, cứ 2 năm ông Oanh thu hoạch được 3 lứa chuối, buồng luôn đạt 12 nải, trái chuối to đẹp, trọng lượng trung bình 30kg/buồng, cao hơn buồng trồng theo cách truyền thống. Từ ngày ông Oanh trồng theo cách này, nhiều người còn tới đặt mua tại vườn. “3 năm nay, trung bình thu nhập của gia đình từ vườn chuối già hương và ngò gai đạt 150 triệu đồng/năm. Năm nay, nếu không bị cơn bão đốn ngã cả vườn chuối, tôi cũng sẽ thu được như vậy. Bây giờ, tôi phải chờ đất khô hẳn mới trồng lại được”, ông Oanh nói.
Ông Phan Văn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc cho biết, giải pháp của ông Oanh bước đầu có hiệu quả. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ truyền đạt cách làm này cho người trồng chuối. Trước mắt, hội sẽ định hướng cho 2 hộ có diện tích trồng chuối trên 1.000m2 áp dụng. Sau này, khi số hộ trồng chuối áp dụng kỹ thuật này tăng lên, hội sẽ xúc tiến hình thành tổ hợp tác trồng chuối già hương theo kỹ thuật cải tiến của ông Oanh.