Nguồn gốc chuối ngự Đại Hoàng
Đại Hoàng là tên của một làng, trước kia thuộc tỉnh Nam Định, hiện nay thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Xưa kia làng Đại Hoàng nguyên là một bãi hoang do phù sa bồi đắp.
Làng La và làng Cảo môn đều nằm trong phủ Thiên Trường xưa, nhưng Cảo môn nằm sát bờ sông Châu, đoạn đổ ra cửa sông Hồng, ngày xưa có tên là Hoàng Giang. Lâu dần, do sạt lở, đất từ bờ hữu chuyển sang bờ tả, một chi họ Trần ở Vị Hoàng (Nam Định) đến đây khai khẩn sinh sống và đặt tên là Đại Hoàng (để đối lập với một chi khác là Tiểu Hoàng).
Chuối Ngự là một trong loại chuối thuộc họ Musaceae. Chuối là tên cây, Ngự theo dân gian là chuối tiến vua, Đại Hoàng là tên một thôn gắn liền với sản phẩm chuối Ngự thơm ngon nổi tiếng, đã đi vào thơ văn của Nguyễn Tuân, của nhà giáo Trần Văn Đô. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, làng Đại Hoàng được gọi là xã Nhân Hậu, nay là xã Hoà Hậu huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhưng loại trái cây đặc sản gắn với vùng đất đặc biệt này vẫn được người dân gìn giữ và gọi nó với tên gọi chuối ngự “Đại Hoàng”.
Xuất xứ chuối ngự Đại Hoàng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng là quả chuối, được:
– Trồng từ giống chuối Ngự, là giống bản địa, được người dân chọn lọc và chăm sóc.
– Sản xuất trong phạm vi lãnh thổ thuộc xã Hòa Hậu gồm các xóm từ 1 đến 17; xã Tiến Thắng gồm các xóm: 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 11 và 12 của thôn Nhân Tiến, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Việt Nam.
– Được bảo quản, sơ chế và đóng gói tại huyện Lý Nhân.