Thời gian gần đây, ĐBSCL xôn xao về vườn chuối công nghệ cao lớn nhất Miền Tây ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đang thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nông. Với quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch bài bản đang cho thấy người nông dân đang dần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vườn chuối hàng chục hecta này mà trước đó những vườn chuối ở Long An và Tây Ninh đã minh chứng thêm cho điều đó.
Câu chuyện cây chuối công nghệ cao
Cây chuối không hề xa lạ với người dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ vì người dân trồng chuối theo tập quán là để tận dụng diện tích và là kinh tế phụ cho gia đình. Trên thực tế nhiều năm qua, cây lúa vần là cây chủ lực trong kinh tế địa phương, chính vì thế cây chuối chỉ trồng rải rác và không trồng theo mộtquy mô nào cả. Nhưng một số nông dân của HTX Lâm Phát Hưng, xã Thới Hưng, thuộc Nông trường Sông Hậu mạnh dạn đầu tư trồng 10 ha chuối áp dụng công nghệ cao xuất khẩu ra nước ngoài, đạt được hiệu quả cao. Chỉ một năm sau, được Nông trường Sông Hậu khuyến khích và đầu tư, các thành viên trong HTX Lâm Phát Hưng mạnh dạn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để cải tạo 90 ha đất hoang của nông trường để trồng chuối theo mô hình cấy mô. Đây là vườn chuối công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất ở miền Tây.
Ông Lâm Văn Hộ, Chủ nhiệm HTX này tâm sự: Lúc đầu thực hiện trồng chuối theo công nghệ này cũng phân vân không biết hiệu quả thế nào nhưng đầu tư cũng cao quá, khác hẳn với cách trồng thông thường. Tuy nhiên cây chuối là loại dễ trồng mà ít bị thiên tai nên anh em trong HTX cũng quyết tâm. Điều mà chúng tôi yên tâm nhất là đầu ra ổn định và giá cả cũng cao”… Vẫn là giống chuối già truyền thống của người dân, các nông dân của HTX này đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng trồng theo biện pháp cấy mô lai giống theo công nghệ cao của Hàn Quốc và Philipines, nơi mà nhiều quốc gia đã thành công từ cây chuối. Từ khi trồng đến khi lớn có các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc và Philipiness xuống tận nơi hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng.Cho đến khi ra bắp, kỹ sư sẽ tiến hành chích bắp chuối để sau này quả chuối được mịn màng.Khi hình thành trái chuối sẽ bẻ núm cho đầu quả chuối phát triển tròn đều.Khoảng thời gian 45 ngày thì buồng chuối bắt đầu phát triển to. Các kỹ sư nước ngoài còn hướng dẫn người dân rất cặn kẽ, từ khâu trồng cho đến thu hoạch và đóng gói vận chuyển xuất khẩu được chỉ bảo nghiêm ngặt…
Trước đó, ở Long An không ai tin được nải chuối quen thuộc với nhiều người lại là một giống cây được đầu tư vài chục tỉ đồng. Tuy nhiên, anh Võ Quan Huy có một vườn chuối triệu đô tại tỉnh Long An, do chính anh tự tay đầu tư và phát triển. Khu vườn trồng chuối này có giá trị đất nông nghiệp khoảng 35 tỉ đồng, được anh Huy đầu tư thêm nhà đóng gói, phương tiện cơ giới để sản xuất theo quy trình chuối sạch, tổng giá trị ước tính 50 tỉ đồng, tương đương khoảng 2 triệu USD. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm khoảng 70 ha chuối ở Tây Ninh. Chuối của anh Huy hiện được xuất khẩu sang chủ yếu sang các nước Trung Đông. Anh đã ký được nhiều đơn hàng dài hạn để đưa chuối Việt Nam vào những thị trường này. Hiện giá chuối bán tại vườn được các công ty thu mua với giá từ 7.000-8.000 đồng/kg. Sản phẩm chuối sạch này cũng được cung ứng cho một số siêu thị trong nước.
Trồng chuối công nghệ cao – Một hướng đi mới cho người nông dân.
Tiếp cận vườn chuối của nông trường Sông Hậu, chuối đã bắt đầu cho thu hoạchkhoảng 90 ha theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Gần 120 ngàn cây, bình quân mỗi cây có buồng nặng khoảng 30 kg, dự kiến vườn chuối sẽ cho thu hoạch trên 3.500 tấn để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá được bao tiêu sẵn 8.000 đồng/kg, cao gần 5 lần so với giá bình thường. Theo tính toán của HTX, trong thời gian thu hoạch chuối thì cây chuối mẹ sẽ cho ra các cây con, sau 3 vụ thu hoạch trái lúc đó sẽ đốn bỏ và trồng cây con lại. Hiện có nhiều đối tác trực tiếp đến khảo sát khu vườn cũng như kỹ thuật trồng rồi đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nhưng trước mắt. Tuy nhiên các thành viên trong HTX được sự ủng hộ, bảo trợ của Nông Trường Sông Hậu và UBND TP. Cần Thơ nên dự kiến sắp tới sẽ tính toán mở rộng thêm. Ngoài việc tạo thương hiệu trái chuối Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho Cần Thơ nói riêng, và khu vực ĐBSCL nói chung. Vườn chuối công nghệ cao của HTX Lâm Phát Hưng còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương.
Lãnh đạo Nông trường Sông Hậu cho biết: “Vườn chuối của HTX Lâm Phát Hưng được xác định là mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu là điểm nhấn của hoạt động của nông trường vì vậy thời gian qua các cấp, các ngành, UBND thành phố rất quan tâm”. Đến thời điểm này chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch chuối, có thể khẳng định mô hình trồng chuối công nghệ cao rất hiệu quả. Sắp tới sẽ cho tiến hành nhân rộng ra cho các nông trường thành viên, sẵn sàng hợp tác với các đối tác đến làm ăn với chúng tôi…Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt cầu, HTX sẽ tìm hiểu kỹ thị trường nước ngoài để vườn chuối đem lại lợi nhuận. Còn với anh Huy, vườn chuối triệu đô của anh ở Long An và Tây Ninh sẽ được áp dụng những công nghệ mới và dây chuyền sản xuất thay thế con người đã và đang được tính đến. Hình ảnh thu hoạch chuối bằng ròng rọc xa hàng trăm mét đã không còn xa lạ.
Vùng đất Miền Tây rất hợp với trồng chuối, nhưng thời gian qua người dân chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ và không đầu tư nhiều cho loại trái cây nhiều dưỡng chất này. Tuy nhiên với cách làm mạnh dạn của Nông trường Sông Hậu nói riêng và một số nhà vườn ở ĐBSCL đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trước ngưỡng cửa hội nhập…Người nông dân đang phát huy vai trò tiên phong tìm kiếm cơ hội làm giàu mới. Từ con giống cho đến cây trồng, tất cả đều được họ đưa vào tầm ngắm để biến thành sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.