Đầu tư thấp, giá trị kinh tế cao
Theo số liệu thông kê, hiện nay diện tích trồng chuối các loại của tỉnh Hưng Yên là khoảng 1.500ha, sản lượng ước đạt 50.270 tấn, chiếm khoảng 7,8% sản lượng chuối cả nước (diện tích trồng chuối lớn nhất Việt Nam). Anh Nguyễn Hải Ninh, cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết: mô hình thâm canh chuối tiêu hồng đã được tổ chức triển khai thực hiện tại 11 xã trên địa bàn với tổng diện tích 12,7ha và 39.100 cây chuối giống cho 81 hộ.
Chuối tiêu hồng được trồng phổ biến ở tỉnh Hưng Yên hiện nay là do Viện nghiên cứu rau quả Trung ương nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, cây phát triển tốt trên đất pha cát và đất ruộng cao, ít sâu bệnh, dễ trồng, chăm sóc và nhân rộng bằng phương pháp tách chồi đơn giản. Quả chuối tiêu hồng thơm ngon hơn các loại chuối khác, vị ngọt thanh, mã chuối lại rất đẹp và có màu vàng tươi, để được lâu mà không bị chín nát.
Để mô hình dự án đạt kết quả cao, các kỹ sư của Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và công nghệ đã thường xuyên về địa phương hướng dẫn các hộ tham gia mô hình dự án những biện pháp chăm sóc chuối, phá váng sau mưa, bón thúc theo các giai đoạn bảo đảm theo đúng quy trình kỹ thuật. Được hỗ trợ giống tốt, chất lượng cao đồng thời được tập huấn chuyển giao kỹ thuật đầy đủ nên 100% diện tích chuối tiêu hồng trong vùng dự án đều phát triển tốt.
Giống chuối tiêu hồng này được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô, có ưu điểm hơn so với giống chuối tiêu hồng thông thường là sạch bệnh hơn, chất lượng quả ngon, thơm hơn, mẫu mã đẹp hơn, năng suất tương đương, thời gian trồng đến khi thu hoạch trung bình 14 tháng, nếu chăm sóc tốt có thể 12 – 13 tháng cho thu hoạch… Anh Nguyễn Long Quỳnh, chủ trang trại trồng chuối (với diện tích hơn 10ha) ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động cho biết: Mỗi năm một sào chuối tiêu hồng bỏ vốn và công chăm sóc khoảng 1,5 triệu đồng, cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng, tính ra mỗi ha có thể thu lãi từ 250 đến 280 triệu đồng. Nhờ có kỹ thuật thâm canh cao nên chất lượng quả thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Đến thời vụ thu hoạch thương lái về thu mua tận nơi với giá ổn định từ 100.000đ đến 120.000đ/buồng quả tươi.
Hiện nay, chuối tiêu hồng đã có mặt ở khắp các tỉnh thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và xuất khẩu sang một số nước lân cận. Năng suất chuối tiêu hồng bình quân 250kg/sào, cao gấp đôi giống chuối tiêu bình thường. Nếu trước kia mỗi sào đất trồng rau màu, dong riềng chỉ đem lại cho người nông dân thu lãi dưới 1 triệu đồng thì cây chuối tiêu hồng cho thu lãi mỗi vụ từ 3 đến 5 triệu đồng/sào.
Theo đánh giá của Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hưng Yên, bình quân một ha trồng chuối tiêu hồng cho thu lãi trên 100 triệu đồng, gấp khoảng 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, chuối tiêu hồng còn có nhiều lợi thế: dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng đất phù sa, đất cát, thích nghi với những điều kiện bất thuận của thời tiết; chỉ cần một số kỹ thuật cơ bản, đảm bảo đủ nước và chăm bón dinh dưỡng tốt là cây khoẻ và phát triển nhanh, trổ hoa kết trái đều; giống cây được nhân rộng bằng phương pháp tách chồi từ cây mẹ nên chi phí đầu vào giảm.
Trên diện tích trồng chuối còn có thể trồng xen 1 vụ lạc hoặc đỗ tương vừa có tác dụng cải tạo đất vừa tăng thu nhập cho người dân.
Ứng dụng công nghệ bảo quản chuối sau thu hoạch
Để nâng cao giá trị của sản phẩm chuối tiêu hồng, từ tháng 5/2011, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ bảo quản quả chuối bằng phương pháp khí điều biến và xây dựng sổ tay thu hái cho giống chuối tiêu hồng Hưng Yên” do Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thực hiện. Dự án trên được thực hiện đã giúp kéo dài thời gian bảo quản quả chuối 25-40 ngày, tỉ lệ đạt giá trị thương phẩm lớn hơn 90%, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng được sổ tay thu hái theo từng mục đích sử dụng: vận chuyển xa, gần, ăn ngay,…Nhằm giúp bà con chủ động được công nghệ bảo quản sản phẩm bằng phương pháp khí điều biến (MAP), Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành thực hiện các nội dung sau: điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, bảo quản và tiêu thụ chuối, lựa chọn các hộ tham gia đề tài tại 3 huyện có diện tích trồng chuối lớn tại tỉnh Hưng Yên là TP Hưng Yên, huyện Kim Động và huyện Khoái Châu.
Các nhà khoa học đã xác định các thông số lý hóa, sinh hóa của quả chuối, xác định màu sắc, sự chuyển màu của vỏ quả theo từng độ già của quả để từ đó xây dựng, thiết lập sổ tay hướng dẫn thu hái phục vụ theo từng mục đích sử dụng. Sử dụng bao bì để bao gói buồng chuối nhằm tạo môi trường khí điều biến phù hợp với chế độ hô hấp tối ưu của quả, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý etylen trong quả.
Sau thời gian thử nghiệm thực tế, đề tài đạt được kết quả sau: các chỉ tiêu xác định độ chín thu hái cho từng mục đích sử dụng được xây dựng dựa trên sự biến đổi hình dáng, màu sắc, độ dày vỏ quả và các chỉ tiêu sinh hóa bên trong thịt quả như quả càng chín thì vỏ quả càng mỏng, vỏ quả chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng… Công nghệ bảo quản chuối tiêu hồng bằng phương pháp khí điều biến đã có kết quả tốt theo các độ chín thu hái khác nhau. Những kết quả đạt được đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chuối và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học, quả chuối có giá trị dinh dưỡng cao và được coi là loại quả lý tưởng, giàu dinh dưỡng cho người già, yếu, suy dinh dưỡng ở trẻ em và chứa nhiều loại Vitamin trẻ hóa cho phụ nữ. So với các loại cây trồng khác, cây chuối có lợi thế là sử dụng được 100% sản phẩm sau thu hoạch: quả dùng ăn tươi, làm thực phẩm (chuối sấy khô, bia, mứt rượu…), thâm và lá làm thức ăn gia súc, thủy sản; lá chuối gói bọc các sản phẩm chế biến…Chuối có chu kỳ kinh tế ngắn, mức đầu tư không cao, kỹ thuật trồng và chăm sóc không phức tạp như các loại cây ăn quả khác.
Trong những năm gần đây thị trường tiêu thụ chuối ở nước ta ngày càng được mở rộng, giá chuối khá ổn định và có xu hướng tăng cao. Chính vì những lý do trên, cây chuối tiêu hồng đã nhanh chóng trở thành “cây kinh tế” của người nông dân ở nhiều vùng quê của tỉnh Hưng Yên./.