Để trồng chuối có phẩm chất tốt đòi hỏi bà con nông dân cần có kinh nghiệm trong khâu chọn đất, chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc tỉ mỉ. Hôm nay, chuối cấy mô Hòa Linh xin chia sẻ cho bà con kỹ thuật trồng chuối hàng hóa.
Chọn đất trồng chuối:
Đất trồng chuối tốt nhất là đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, nhất là đất phù sa, bùn ao phơi ải, nơi không bị ngập úng và dễ tưới tiêu nước.
Vườn trồng chuối phải quang đãng để có đủ ánh sáng quang hợp. Độ pH thích hợp trồng chuối là từ 5-7.
Cây giống:
Hình thức nhân giống chuối chủ yếu là nhân giống vô tính. Người ta thường dùng loại chồi để trồng. Theo kinh nghiệm, loại chồi con đuôi chiên được sử dụng trồng tốt nhất.
Ngoài chồi con có thể tạo giống bằng nuôi cấy mô. Cây giống phải là sạch bệnh, độ đồng đều cao, nhân nhanh với số lượng lớn.
Có thể tạo cây giống bằng củ của cây chuối đã có buồng, đào củ không để xây xước, lựa tránh phần có mắt (sẽ mọc cây giống) bổ làm hai, nếu củ to bổ làm 4. Xoa các vết cắt vào tro rồi đem ươm ở vườn ươm, đào hố cách nhau 30 đến 35cm, hàng cách hàng 40cm, đặt phần có mắt mầm xuống dưới, phủ đất kín. Sau vài tháng cây con sẽ mọc cao 60 đến 70cm (có từ 3 đến 4 lá) thì đem trồng.
Thời vụ trồng chuối:
Đối với các giống chuối gòn, chuối lá mật, chuối ngự,… có thể trồng được vụ xuân (tháng 2-3 ÂL), nhưng với chuối tiêu thì phải trồng vụ thu (tháng 6-7 Âm Lịch) và cây sẽ ra hoa vào tháng 6-8 năm sau, đến tháng 9-11 thu hoạch, lúc này năng suất, phẩm chất chuối tiêu rất tốt.
Kỹ thuật trồng chuối:
Đào lỗ: Khoảng cách và kích thước của mỗi lỗ phụ thuộc vào từng loại đất tốt, xấu và giống chuối.
Mật độ trồng: với giống chuối lùn là 2,3 x 2m (khoảng 2000 cây/ha); giống chuối trung bình là 2,7 x 2m (khoảng 1850 cây/ha); giống chuối cây cao là 2,7 x 2,7m (khoảng 1600 cây/ha).
Kích thước của hố trồng chuối: đất tốt, tầng mùn dày, đào hố có kích thước vuông 40 – 45cm, sâu từ 30 – 35cm, nơi đất xấu đào lỗ có kích thước lớn hơn. Đào lỗ sau 7 – 10 ngày cho hả (tháo hết các khí độc hại). Nếu lớp đất màu nông thì phải để lớp đất này riêng rồi đem 1/2 lượng đất trộn với 1 lượng phân rác và tro (có tỷ lệ 4/1) cho vào gần đầy hố.
Chuối có thể trồng theo hàng hay theo kiểu nanh sấu. Hàng chính trồng theo hướng Đông – Tây để các cây ở vườn chuối tận dụng được nhiều ánh sáng hơn. Nếu trồng trên sườn đồi thì đặt mặt cắt của củ cây giống hướng xuống phía cân đồi để khi cây trổ buồng chuối sẽ ở phía trên. Và làm thế để khi chuối có buồng, các buồng sẽ kéo cây vào phía trong làm cây đỡ bị đổ.
Chăm sóc:
Cây chuối là cây phàm ăn và yêu cầu thời gian cho quả nhanh nên tận dụng bùn ao, đất mầu đập khô đắp lên gốc. Trung bình 1 cây chuối cần khoảng 20-25kg phân chuồng hoai mục, 0,8-1kg đạm, 1-1,5kg lân, 2-3kg kali trong 1 năm.
Bón lót:
Sử dụng toàn bộ phân chuồng, phân lân + 0,1kg đạm + 0,1kg kali.
Bón thúc lần 1 sau khi trồng 1- 1,5 tháng, kết hợp với làm cỏ, xới xáo quanh gốc. Bón 1/2 lượng đạm và 1/3 lượng kali còn lại, cách gốc 30-40cm.
Bón thúc lần 2 sau lần 1 từ 1,5-2 tháng. Bón 1/2 lượng đạm và kali còn lại, cách gốc 1m.
Bón thúc lần 3 với lượng đạm và kali còn lại khi cây trổ buồng, bón cách gốc 1,5-2m. Nên đào 4 hốc xung quanh gốc, lấp phân sâu 7-10cm, tiến hành bón khi đất có độ ẩm 70-80%. Trên mỗi cây mẹ chỉ nên để 2 chồi con, có thời gian cách nhau bốn tháng, nên chọn chồi ở xa gốc cây mẹ và tránh vị trí dưới buồng chuối.
Chọn tuổi chuối so le sao cho 1 năm được thu hoạch từ 2 buồng. Trong một buồng chuối, phía trên là hoa cái, phía cuối buồng nhiều hoa đực, chỉ có 3 – 4% là hoa cái. Vậy phía trên thường để 8 – 12 nải tuỳ theo buồng. Còn phần cuối buồng nên cắt đi để tập trung dinh dưỡng cho các nải còn lại, nên cắt hoa vào buổi trưa để đỡ chảy mất nhiều nhựa. Khi chuối trổ buồng 15-20 ngày có thể dùng bao nilon trắng trùm kín buồng để hạn chế sâu bệnh. Khi lá chuối đã khô không còn tác dụng nuôi cây thì cần vệ sinh cắt bỏ để hạn chế sâu, bệnh lây lan.
Trên đây, chuối cấy mô Hòa Linh vừa chia sẻ cho bà con kỹ thuật trồng chuối để phẩm chất chuối khi thu hoạch được tốt nhất. Bà con có thể tìm hiểu và áp dụng để được một mùa bội thu.