Sâu đục thân chuối là sâu vòi voi hay còn gọi là Bọ đầu dài. Sâu đục thân là một trong những đối tượng gây tác hại nghiêm trọng nhất đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây chuối, nhất là chuối vùng đồi.
Đặc điểm hình thái và sinh vật học
Đặc điểm của sâu đục thân hại chuối giai đoạn trưởng thành
Sâu đục thân hại chuối là một loại cánh cứng, có vòi tương tự vòi voi, nên được gọi là sâu vòi voi (bọ vòi voi):
– Đầu kéo dài ra phía trước tựa như một cái vòi, miệng gặm nhai ở phía cuối vòi cong dài 3 – 3,2mm.
– Râu đầu dạng dùi đục (có 3 đốt cuối phình to) thường cong gấp hình đầu gối và có 12 đốt.
– Bàn chân có 5 đốt (vì đốt thứ 4 rất bé cho nên chỉ trông thấy 4 đốt).
– Cánh sau phát triển bình thường, nhưng sâu đục thân chuối ít sử dụng cánh sau để bay xa mà thường bò trên mặt đất.
– Sâu trưởng thành toàn thân có màu nâu tươi hoặc đen bóng, thân dài khoảng 12 – 16mm kể cả vòi. Chiều ngang cơ thể 3,5 – 4mm
– Quanh đốt ngực trước có các chấm nhỏ phân bố đều khắp đốt ngực, mặt trên nhẵn bóng, chỉ có 2 hàng chấm mờ chạy dọc ở giữa từ đỉnh tới mép dưới của mảnh cứng.
– Cánh sau bằng chất sừng cứng, không che phủ hết phần bụng, còn để hở phần lưng bụng của đốt bụng cuối cùng.
– Mặt trên mỗi cánh sau có 10 đường gân gồ ghề nổi dọc theo chiều dài cánh.
– Con trưởng thành sống trong các bẹ chuối ngoài cùng, đẻ trứng tập trung các mô bẹ lá. Chúng thường đẻ trứng rải rác trong các mô bẹ lá phần ngọn của các cây chuối non, khi cây chuối đã già chúng di chuyển xuống đẻ gần gốc. Sâu đục thân giả thường phá hại nhiều nhất là ở những vườn chuối rậm rạp, nhiều lá và bẹ khô hoặc thối nát.
– Thời gian từ khi vũ hóa đến khi trưởng thành đẻ trứng từ 11 – 18 ngày.
– Sâu trưởng thành có thể sống từ hai tháng đến một năm, đa số sống trên 8 tháng, có thề sống trên hai năm. Trưởng thành hoạt động mạnh từ tháng 4 đến tháng 10.
– Trưởng thành hoạt động ban đêm, di chuyển bằng cách bò ít khi bay và có tập tính giả chết khi gặp điều kiện bất lợi.
– Trưởng thành là thuộc loài ăn thêm phương thức gây hại giống như sâu non, đục vào trong mô thân cây chuối.
– Trưởng thành thường tập trung sống trong các bẹ hoặc những vết lõm trên thân cây chuối sát mặt đất, trưởng thành thích đẻ trứng trên cây chuối đã có buồng hoặc sắp ra buồng, ít khi đẻ trứng trên cây chuối non.
Đặc điểm của sâu đục thân hại chuối giai đoạn trứng
– Trứng hình bầu dục
– Chiều dài trứng khoảng 2,5mm, rộng khoảng 1mm
– Trứng có màu trắng sữa.
– Trứng được đẻ rải rác ở giữa các bẹ lá, một số con trưởng thành đẻ trứng trên các bẹ lá vừa mới thối nhũn hoặc trên cây đã cắt buồng, một năm một con cái có thể đẻ khoảng 100 trứng.
– Thời phát gian phát dục của trứng (Từ khi trứng đẻ đến khi trứng nở ra sâu non) 7 – 10 ngày.
Đặc điểm của sâu đục thân hại chuối giai đoạn sâu non
– Sau khi nở, sâu non đục ngay vào thân cây chuối làm thành các đường hầm dọc theo bẹ lá từ ngoài vào, sau đó đục thẳng vào bẹ lá bên trong thân. Sâu càng lớn đường hầm càng to, có thể làm thân cây nát nhũn. Sâu non có thể đục vào chủ yếu ở phần đỉnh thân ngầm của cây chuối. Những đường đục của sâu non có thể hiện diện suốt cả chiều dọc thân cây đã cắt buồng. Cây bị nặng, trong thân có những đường rỗng giống như xơ quả mướp. Vết đục trầm trọng có thể làm suy yếu cây chuối và làm cây dễ bị đổ khi gặp gió mạnh.
– Sâu non màu trắng ngà, không có chân, cơ thể có hình hơi cong chữ C.
– Sâu non có 6 tuổi.
– Khi đẫy sức dài khoảng 16mm, rộng khoảng 2,5mm.
– Thời gian phát dục của sâu non từ 20 – 42 ngày tùy thời tiết. Sau khi hoàn thành giai đoạn phát dục, sâu non hóa nhộng trong một kén hình bầu dục gần bề mặt của thân cây.
Đặc điểm của sâu đục thân hại chuối giai đoạn nhộng
+ Thuộc loại nhộng trần, trước khi hóa nhộng sâu non kết tơ chuối thành kén hóa nhộng bên trong.
+ Thời gian phát dục ở giai đoạn nhộng từ 8 – 11 ngày mới hóa trưởng thành.
– Sâu non đục vào thân giả cây chuối thành các lỗ hình tròn hoặc hình chữ nhật không giống nhau.
– Khi ăn sâu vào thân giả, phá hoại dần các bẹ lá, làm cho thân giả cây chuối có lỗ nhỏ và xì mủ, bị hại nặng có nhiều vết đục làm cho thân cây chuối bị thối nhủn, bốc mùi thối.
Khi số lượng sâu trên thân chuối quá nhiều chúng có thể:
+ Phá hại cả giai đoạn cây còn non, hoặc có thể phá hại cả phần thân ngầm nhất là ở điểm sinh trưởng của thân ngầm làm cho cây thối dần và chết rụi.
+ Phá hại vào giai đoạn cây chuối đã trưởng thành có thể cho cây chuối dễ bị gãy, đổ, nhất là giai đoạn đang mang buồng.
– Chuối bị sâu vòi voi phá hại làm quá trình sinh tưởng phát triển chậm, giảm năng suất, phẩm chất nông sản. Bị hại năng có thể làm chết cây đồng loạt, tàn phá nhanh vườn chuối.
– Khi cây chuối bị hại, lá trên cây vàng nhanh, rũ dần xuống.
– Các vết sâu đục sau đó thường bị nhiễm nấm làm cây bị thối nhũn.
– Triệu chứng rõ nhất là trên thân giả của cây chuối có rất nhiều vết đục xì mủ (chảy nhựa, chảy gôm), cây phát triển cằn cỗi, trái nhỏ, lá bị gãy, cây dễ bị đổ.
Biện pháp phòng trừ – Vệ sinh vườn và cây chuối
– Trên những cây chuối đã bị sâu đục thân phá hại, sau khi thu hoạch xong phải đốn chuối sát mặt đất, đào bỏ gốc chuối đưa ra khỏi vườn và xử lý triệt để bằng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt sâu trưởng thành. Sau khi đào bỏ gốc chuối không nên trồng ngay mà trồng mới chuối ít nhất 3 tháng sau khi đào gốc.
– Bón phân đầy đủ và cân đối giúp cho cây chuối sinh trưởng phát triển tốt, làm tăng tính chống chịu đối với sự gây hại của sâu.
– Vệ sinh vườn chuối, nhổ sạch cỏ quanh gốc cây, cắt bỏ các lá khô bẹ thối đem hủy nhằm cắt đứt nơi sinh sống của sâu trưởng thành vào cuối thu, đầu đông mỗi năm.
Dùng giống chuối chống chịu
– Qua thử nghiệm cho thấy nhóm chuối tây có khả năng mẫn cảm với sâu đục thân cao nhất, trái lại nhóm chuối tiêu thường tránh được sự gây hại của sâu đục thân. Điều này chứng tỏ sự chọn lọc và lai tạo các giống chuối chống chịu sâu đục thân là có hiệu quả kinh tế nhất cho các nhà trồng chuối.
– Trồng những cây giống từ nguồn sạch sâu bệnh.
– Xử lý cây giống trước khi trồng bằng cách ngâm củ chuối giống vào nước có pha 0,1% thuốc padan 95sp trong khoảng 10 – 15 phút.
– Khi phát hiện thân giả bị sâu đục cần cắt bẹ lá từ ngoài vào trong, tìm bắt tiêu diệt sâu non và trưởng thành.
Dùng Pheromone: Dùng loại Pheromone (Sordidin) tiết ra bởi con đực để dẫn dụ con cái tập trung tiêu diệt rất có hiệu quả. Sử dụng bẫy thành trùng
Dùng bẫy làm bằng những cây chuối sau khi được đốn buồng:
+ Cắt từng khúc thân chuối độ 60 – 80cm
+ Bổ dọc theo thân cây chuối làm hai phần
+ Áp mặt cắt xuống đất, để nhựa khúc chuối là chất dẫn dụ, hấp dẫn sâu trưởng thành bám vào để ăn vào ban đêm.
+ Hàng ngày sáng sớm ra vườn lật khúc chuối lên, bắt và giết chúng hoặc dùng thuốc hóa học khi mật độ sâu cao để tiêu diệt chúng.
– Trường hợp thành trùng đẻ trứng trên những khúc chuối được sử dụng làm bẫy này thì khi trứng nở, sâu non cũng không có thể hoàn thành chu kỳ sinh trưởng vì những khúc chuối này sau đó sẽ khô đi và ấu trùng sẽ bị chết.
Phòng trừ sinh học
– Các thử nghiệm đã cho thấy các loại tuyến trùng sống trong đất là thiên địch của sâu đục thân. Nếu sử dụng ở số lượng từ 400 – 40.000 tuyến trùng trên một gốc chuối 4 tháng tuổi có thể làm giảm hẳn số lượng sâu non đục thân chuối.
– Ở số lượng cao hơn tuyến trùng có thể tiêu diệt 100% sâu non dục thân chuối. Dùng thuốc hóa học Rải quanh gốc, cách gốc khoảng 30cm một trong những loại thuốc sau đây vào cuối mùa mưa : BAM 5H, Pandan 4H, Basudin 10H.