Trên vùng đất đồi, anh Phan Tấn Lực (Phú Yên) đã đầu tư trồng thành công cây chuối mốc cấy mô, mang lại thu nhập khá và ổn định.
Qua xem ti vi, đọc báo, anh Lực (31 tuổi, thôn Xuân Trung, xã An Xuân, H.Tuy An) biết nhiều người trên khắp mọi miền đã thành công từ mô hình chuối cấy mô. Nhận thấy công việc này mình có thể thử sức, anh Lực đã khai thác 2 ha đất đồi đang trồng cây keo lai để chuyển sang trồng thí điểm cây chuối mốc cấy mô. Cũng trong thời điểm này, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên có chương trình đầu tư cây giống cho nông dân nên động lực thử nghiệm trong anh càng lớn. Từ 2015, anh bắt tay vào làm.
Được trung tâm hỗ trợ 1.000 cây, anh mua thêm 1.000 cây nữa với giá 12.000 đồng/cây, mang về trồng theo quy cách cây cách cây, hàng cách hàng 3,5 m. Thời điểm đầu tháng 9 âm lịch anh làm đất sạch, sau đó bắt đầu đào hố thẳng hàng, chỗ nào đất có độ ẩm cao, nhiễm phèn thì dùng vôi để khử; sau đó chờ mưa xuống là trồng hàng loạt để phát triển đồng đều. Theo anh Lực, cái khó nhất của người trồng là phải canh làm sao cho cây chuối trổ buồng, già đúng vào dịp tết mới bán được giá cao.
Do đất mới khai thác keo xong, đốt thực bì tơi xốp nên anh Lực không cần bón phân. Chỉ những chỗ khô cằn, dốc đá mới bón lót. “Không đầu tư phân nhưng khâu nước tưới là không thể thiếu. Tôi đã đầu tư một hệ thống đường ống tưới nước dẫn từ một con suối gần đó cho cả rẫy. Các công đoạn khác như chăm sóc, theo dõi bệnh, làm cỏ đều phải thực hiện thường xuyên đều đặn chứ không thể giao cho trời như chuối trồng bằng cây con bứng từ vườn có sẵn lâu nay”, anh Lực chia sẻ.
Anh cho biết, cây chuối mốc cấy mô phát triển đến tháng thứ 5 thì nứt cây con, khoảng tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 thì trổ buồng. Giai đoạn này đòi hỏi người trồng chăm sóc kỹ hơn. Trước hết phải vệ sinh gốc chuối thật sạch, cây con nứt lên chỉ để mỗi mẹ hai con, còn lại cắt bỏ để cây mẹ đủ sức nuôi buồng.
Nhờ chăm sóc kỹ, cả rẫy chuối mốc cấy mô phát triển tốt. Tuy ra buồng chưa đồng đều nhưng 100% cây mẹ đều cho buồng. Từ tháng 10 âm lịch năm 2016, anh đã bắt đầu thu đến nay. Bình quân giá chuối 6.000 đồng/kg, mỗi buồng chuối nặng 13 – 16 kg (7 – 10 nải), cứ khoảng 10 ngày anh thu một lứa được 1,5 tấn. Riêng lứa chuối tết, giá tăng gấp đôi gấp ba ngày thường, mang về cho anh thu nhập đáng kể.
Đến nay, đa số cây chuối con lứa đầu cũng đã ra buồng, chuẩn bị cho thu hoạch. Cứ một cây mẹ đẻ hai cây con, hai cây con ở lứa thứ hai sẽ có 4 cây cháu nữa, cứ như vậy số lượng cây chuối mốc cấy mô trong vườn tăng lên đều đặn. Anh Lực trải lòng: “Trồng chuối mốc cấy mô đạt năng suất cao hơn chuối trồng cây con, màu sắc quả cũng đẹp hơn. Hơn nữa loại giống này cây chuối phát triển đồng đều, ít bệnh”.
Ông Trần Công Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân, nhận xét: “Mặc dù trồng thí điểm nhưng diện tích chuối mốc cấy mô của anh Lực phát triển khá tốt. Đây là vườn chuối cấy mô có số lượng nhiều và hiệu quả nhất xã. Từ thành công bước đầu đó, bà con đã nhận định vùng đất này phù hợp với chuối cấy mô. Nhiều hộ dân trong xã đã chuẩn bị đất, sẽ trồng trong mùa mưa đến”.