Cây chuối từ lâu trở thành cây xoá đói giảm nghèo của người dân sinh sống dưới tán rừng U Minh Hạ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân lo lắng khi không ít liếp chuối lá bị vàng héo, cuống rũ xuống, năng suất và chất lượng giảm mạnh. Người dân nơi đây gọi là bệnh sùng ở chuối.
Trong hầu hết bờ bao khuôn hộ cho đến vườn nhà của người dân sống dưới tán rừng, cây chuối được trồng khá phổ biến và được xem là “nồi cơm” trong thời gian chờ khai thác rừng.
Việc nhiều liếp chuối đang bị bệnh sùng tấn công khiến không ít hộ dân đứng ngồi không yên. Ông Ðoàn Thanh Lực, ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết, bệnh sùng ở chuối đang lây lan nhanh từ đầu mùa mưa năm ngoái đến nay. Dù ông đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không có dấu hiệu giảm. “Nhìn bờ chuối gần cả cây số đang cho trái bị thiệt hại dần mà đứt ruột. Không biết còn thu hoạch được bao nhiêu vì cây cứ nhỏ lại dần, trái èo uột lắm”, ông Lực xót xa.
Vườn chuối nhà ông Lê Minh Quân, hàng xóm của ông Lực, cũng cùng cảnh ngộ. Ông Quân cho biết, kể từ nửa năm 2014 đến nay, năng suất mỗi đợt thu hoạch cứ giảm dần. Nếu trước kia mỗi đợt thu hoạch (20 ngày 1 lần) ít nhất cũng trên 1,5 triệu đồng, có khi gần 3 triệu đồng, còn giờ chưa tới 500.000 đồng. Cứ đà này chắc phải đốn bỏ.
Theo Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, bệnh sùng ở chuối do nấm Fusarium oxysporium gây ra, là bệnh hại rất nguy hiểm, khó phòng trừ và thường gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất các vườn chuối. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây. Nấm bệnh trong đất xâm nhập qua rễ, vào củ rồi lan lên thân phá huỷ mạch dẫn làm lá vàng héo, cuống rũ xuống. Bệnh này xuất hiện nhiều nhất tại các vườn chuối đã trồng lâu năm.
Qua thực tế cho thấy, đa phần các vườn chuối bị bệnh sùng tấn công là những vườn được trồng 5-6 năm. Tập quán canh tác không thường xuyên dọn vệ sinh vườn cũng là nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh.
Ðể hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh sùng ở chuối gây ra, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức khuyến cáo, bà con nông dân cần thực hiện biện pháp phòng trừ tổng hợp. Ngoài việc lên liếp cao để thoát nước tốt khi có mưa, tạo cho vườn luôn khô ráo, thường xuyên dọn dẹp lá khô cho đến cây đã thu hoạch. Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống. Bón vôi vào các hố khi trồng… Ðồng thời, kết hợp với việc tưới nấm Trichoderma spp hiện đang có bán trên thị trường để đối kháng với nấm gây ra bệnh sùng. Ðối với những vườn chuối bệnh nhiều và đã trồng lâu năm nên tiến hành cải tạo lại để trồng mới.