Khác với không khí trầm lắng mọi năm, từ đầu tháng 4/2015 đến nay, rất nhiều xe vận tải đến xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, vựa chuối tây lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn thu mua quả chuối tây xanh với giá cao nên bà con rất phấn khởi. Theo các tư thương, giá chuối tây xanh năm nay tăng cao do thương lái tại các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên thu mua để bán lẻ ra thị trường.
Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 400 ha cây chuối tây trồng rải rác ở tất cả các huyện, thị xã; trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn và xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới. Với thu nhập ước đạt từ 50 – 80 triệu đồng/ha, những năm qua, loại cây trồng này đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Chuối tây cho trái to tròn, đều, thân cao, khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế cao, cộng với ưu điểm phù hợp với điều kiện đất đai, ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ rộng nên rất phù hợp để các hộ nông dân đưa vào sản xuất hàng hóa.
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, để chuối cho quả vào đúng dịp và có những buồng chuối sai quả, trước hết cần tuân thủ thời vụ trồng. Thông thường vào tháng 2 âm lịch tiến hành trồng với mật độ hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m, hố sâu khoảng 0,6 m.
Khâu chọn cây giống quyết định đến chất lượng và khả năng cho quả của cây. Do vậy, người trồng nên chọn cây giống khi có từ 3 – 6 lá với độ cao vút ngọn khoảng 1 – 1,5 m, được tách ra từ cây mẹ không bị sâu, đã trổ buồng. Sau trồng khoảng 1 tháng thì bón phân cân đối NPK, thường xuyên ủ gốc bằng rơm rạ, mùn trấu để giữ ẩm cho cây, tạo nền đất tơi xốp. Khoảng 6 – 8 tháng sau khi trồng cây trổ buồng và có thể cho từ 100 – 200 trái/buồng. Cây chuối tây không kén đất, cây sinh trưởng và phát triển mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Ước tính 1ha trồng được từ 1.000 – 1.200 khóm, năng suất đạt từ 20 – 30 tấn.
Anh Hà Đức Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn cho biết, cây chuối tây đã được trồng ở xã Nông Thượng từ lâu nhưng bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2010, bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích ngày một tăng lên. Hiện toàn xã có gần 100 ha trồng chuối tây. Một số hộ gia đình do nắm bắt được lợi thế từ việc trồng cây chuối tây nên đã mạnh dạn trồng với số lượng lớn, điển hình như gia đình ông Triệu Hữu Quan, Triệu Hữu Toàn… đều trồng trên 2 ha.
Đi dọc tuyến đường từ Hòa Mục sang Thanh Vận, trên những triền đồi thoai thoải là những vạt chuối tây xanh mướt trải dài. Cả thôn Bản Vọt, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới có 85 hộ dân và nhà nào cũng trồng chuối tây, mỗi hộ có từ 1 – 3 ha chuối tây. Nhiều hộ có diện tích lớn, cho thu hoạch từ nhiều năm nay như hộ anh Trần Văn Tường, Hoàng Văn Thu, Phạm Văn Ngân…
Cựu chiến binh Lường Văn Mạc, thôn Bản Vọt cho biết, nhà ông có 4 nhân khẩu, tất cả chi tiêu hàng ngày và con cái đi học đều trông vào 2 ha chuối. Cũng theo anh Mạc thì việc trồng chuối tây cũng không khó, từ năm thứ nhất đã bắt đầu ra buồng, cho thu hoạch đều từ năm thứ 2 trở đi. Chất đất ở đây thích hợp với cây chuối, trồng tận trên đồi cao cũng tốt. Suốt quá trình sinh trưởng, bà con mới phát quang cỏ dại chứ chưa phải bón loại phân gì. Vậy mà quả to, vỏ bóng, ăn ngọt nên được khách hàng rất ưa chuộng. Do mấy năm trước được giá nên cả làng người người trồng chuối tây, nhà nhà trồng chuối tây, lại được Nhà nước hỗ trợ dự án, nên năm nay thôn có tổng cộng hơn 100 ha chuối.
Những năm qua, cây chuối tây đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nhiều xã trong tỉnh Bắc Kạn. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đã trồng lâu năm trở nên già cỗi, nhiễm bệnh nên cần được thay giống mới cho năng suất cao hơn. Để cây chuối tây thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành cây trồng chủ lực thì việc tìm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm là điều hết sức quan trọng. Có như vậy người dân mới yên tâm trồng, đầu tư mở rộng diện tích.