Đến thăm vườn chuối tây Thái Lan hơn 7ha của ông Đỗ Văn Vớ, thôn An Lạc 2, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, (TP Hải Phòng) đều thấy cây nào cây đó đều thẳng tắp, được bố trí thành hàng lối ngăn nắp như một thiên đường chuối.
Có chí làm quan có gan làm giàu
Với quyết tâm lập nghiệp bằng nghề nông từ nhỏ, ông Vớ luôn ước có một ngày ông sẽ làm giàu thành công trên chính mảnh đất quê mình. Ông luôn tìm và hỏi những giống cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế ở khắp nơi về trồng để cải thiện thu nhập. Ông cứ hết trồng lúa rồi lại chuyển sang trồng màu nhưng vẫn chưa nhìn thấy thành công đâu.
Sau nhiều năm trăn trở ngược xuôi, tình cờ năm 2015 trong một lần địa phương ông tổ chức cho nông dân đi thăm quan mô hình trồng chuối tây Thái Lan ở Hưng Yên. Khi thăm quan về, ông xét thấy giống cây này có khả năng phù hợp với đồng đất quê mình và có thể đem lại hiệu quả cao cho nông dân. Ông quyết định bắt tay vào làm, ông thuê lại hết số diện tích trồng lúa kém hiệu quả của người dân trong xã đã bỏ hoang nhiều năm, chuyển số diện tích 3ha đang cấy lúa của trang trại sang hình thức thức kết hợp hoàn hảo hơn, trên trồng chuối, dưới vẫn cấy lúa.
Trao đổi với phóng viên ông Vớ cho biết: “Suốt quá trình chăm sóc cây chuối tôi nhận thấy rằng trồng cây chuối có nhiều ưu điểm như, dễ trồng, thích nghi được với mọi loại đất. Loại chuối tây Thái Lan này rất hợp với đất và khi hậu lại dễ chăm sóc, buồng to, quả đều, có buồng còn cho 15 -16 lải. Nếu bán theo kg để xuất sang Trung Quốc cũng được 25.000 đồng/kg, tương đương với hơn 1 triệu đồng 1 cây chuối. Nếu chăm sóc tốt, cho ra buồng được 80% trên tổng số cây thì sẽ đạt từ 25 -30 triệu/sào. Với hơn 7ha thu trung bình mỗi năm trên 500 triệu, hiệu quả hơn nhiều lần trồng rau màu. Do đặc điểm của cây chuối cần được giữ ẩm thường xuyên nên tôi đào ao lấy nước từ đầu nguồn ngay cạnh vườn chuối để chủ động cung cấp nước đầy đủ cho chuối. Ở miền Bắc nước ta hay có hiện tượng sương muối nên che lưới ngăn sương muối, chống lạnh thì chuối lớn rất nhanh, sớm ra buồng. Chuối tây Thái Lan trồng sau chỉ 15 tháng là được thu hoạch, để chuối không bị gãy gục khi mùa gió bão tôi đã phải làm cột chống cho cây”.
Qui trình “sạch”
Ông Nguyễn Văn Lương chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Tiền Phong (Vĩnh Bảo, HP) cho biết thêm: “Mô hình trồng chuối tây Thái Lan của gia đình nhà ông Vớ chính là phong trào tận dụng đất bỏ hoang. Nhiều hộ đã chủ động được đầu ra cho sản phẩm, trồng chuối không còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát như trước nữa. Một số hộ nông dân trong xã đã chuyển sang trồng chuyên canh cây chuối và đã làm giàu thành công từ mô hình này”.
Vườn chuối tây Thái Lan của ông Vớ với cây nào, cây ấy đều đều nhau tăm tắp, tất cả đều đang ra hoa hoặc có buồng. Một số người trước kia cho rằng ông Vớ là khùng, điên khi có ý tưởng làm giàu từ chuối thì nay phải trầm trồ khen ngợi, thậm chí còn có người tới gia đình ông mua giống chuối và học hỏi kinh nghiệm từ ông để về trồng theo. Ông Vớ chia sẻ: “Trong suốt quá trình trồng chuối tây Thái Lan không được dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học nào mà bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ được làm từ hạt đậu tương. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của chuối đều có kỹ thuật phù hợp từ chăm sóc, vệ sinh, tỉa dọn cây và được bón chủ lực từ phân hữu cơ được xay ủ từ hạt đậu tương Nhật Bản do đơn vị bao tiêu sản phẩm cho ông hướng dẫn”.
Trước lúc trồng mỗi gốc bón lót 0.5 -1kg vi sinh hữu cơ bã đậu tương, khi chuối tây bén rễ hồi xanh thì bón 1kg bón cho 25- 30 gốc chuối, đến giai đoạn chuẩn bị ra quả thì bón thúc 2 đợt, cứ 1kg bón cho 7-8 gốc. Đến thời kỳ ra bắp chuối thì bón 1kg mang bón cho 5 gốc để cho quả to và đồng đều. Với thời tiết của miền Bắc từ tháng 4 – 7 thường tập trung các cơn bão, nếu chuối trỗ vào giai đoạn này thường là bị chín non.
Để tránh bão thì người trồng chuối phải tính tuổi sao cho chuối ra buồng vào giai đoạn tháng 9-10 thì sản lượng chuối tốt nhất. Theo tính toán của ông Vớ thì trong thời gian thu hoạch chuối, chuối mẹ sẽ cho ra các cây con nhưng ông chỉ để lại một cây tiếp theo và chăm bón như ban đầu, sau 3 vụ thu hoạch sẽ phải đốn bỏ hoàn toàn để trồng lại. Ông Vớ đã chủ động liên kết với một công ty bao tiêu sản phẩm, được hướng dẫn về kỹ thuật và cách chăm sóc cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của sở nông nghiệp.
Nói về kinh nghiệm trồng chuối tây Thái Lan, ông cho biết, ở miền Nam người ta trồng khoảng 12 tháng nhưng nếu chăm tốt như tôi áp dụng chỉ 7-9 tháng chuối đã trổ. Chuối tây Thái Lan là giống ưa nhiệt nên cần phải trồng sớm, từ tháng 1-5 là phải xuống giống nhưng càng sớm thì năng suất càng cao, nếu để tới cuối tháng 5 mới trồng thì năng suất cũng sẽ kém đi. Loại chuối tây cũng rất “phàm ăn”, do đó tốt nhất là phải có phân chuồng bón lót trước khi trồng và sau khi chuối lên xanh tốt có thể bón thêm lân, đạm nhưng đặc biệt giống chuối cao này phải có kali để giúp cho cây cứng cáp, ít sâu bệnh và khi ra buồng mẫu mã sẽ bóng đẹp.