Đội cái nắng tháng 3, lội ruộng mấy ngày trời, chúng tôi đã gặp những nông dân là chủ vườn chuối cấy mô từ giống chuối già Nam Mỹ. Những nông dân mà chúng tôi gặp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất tự tin về thành quả giống chuối mình trồng mang lại. Ai cũng đang rất kỳ vọng về sự khấm khá nhờ… chuối!
Có nhà bề thế ở TP Cà Mau nhưng chẳng may mắn gặp được nông dân Châu Quốc Khải trong căn nhà này. Vậy là tôi phải vượt chặng đường bốn năm chục cây số để vào bìa rừng U Minh Hạ, thuộc xã Khánh Thuận tìm ông.
Đứng giữa cánh đồng chuối hàng chục hécta, ông Khải tâm sự: “Thú thật trước khi đem giống chuối già Nam Mỹ này về đây, chính tôi cũng chẳng dám nghĩ rằng nó lại rất phù hợp trên vùng đất U Minh. Qua trồng thử nghiệm giống chuối cấy mô này cho thấy đây là giống có năng suất trên 40 tấn/ha – cao hơn 10-12 tấn/ha so với cây chuối của địa phương. Nếu thời giá như vừa qua, tôi cầm chắc doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm.”
“Hiện, tôi đã thuê các chuyên gia Philippines để chuyển giao kỹ thuật trồng cây chuối đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia,…”, ông Khải phấn khởi kể thêm.
Lần theo lời của ông Khải, chúng tôi rời Cà Mau để đến Nông trường sông Hậu, thuộc xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). “Một lần tới Thới Hưng, tôi mới gặp được thầy của mình – những nông dân trồng chuối giỏi dù nhiều ông nửa chữ bẻ không gãy”, ông Khải cười, cho biết.
Ông Lâm Văn Hộ, Chủ nhiệm HTX Lâm Phát Hưng kể, bà con tại Nông trường sông Hậu lâu nay chỉ biết trồng lúa, nay thấy giống chuối cấy mô Nam Mỹ “hạp” đất này, năng suất cao, lại nghe đầu ra ổn định nên ai cũng ham.
“Ban đầu, diện tích trồng thử nghiệm giống chuối cấy mô này chỉ vỏn vẹn 10ha. Được lãnh đạo nông trường khuyến khích nên bà con chúng tôi mạnh dạn đầu tư trên 20 tỷ đồng thuê 90ha đất của nông trường để mở rộng diện tích… Chẳng ngờ giờ vườn chuối của chúng tôi có diện tích lớn nhất vùng”, ông Hộ kể thêm.
Giữa trưa, theo chân nông dân, chúng tôi lội hết 38 bờ kênh, rạch chỉ… chuối là chuối. Nhìn cây chuối nào cũng trổ buồng, lá xanh ngắt mà chúng tôi quên đi cái nắng gay gắt giữa đồng bằng.
“Từ khi trồng tới khi thu hoạch, chúng tôi được chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc và Philippines xuống đây hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ lắm. Khi cây chuối trổ buồng, phải chích bắp chuối để sau này trái chuối được mịn màng. Núm trên đầu mỗi trái mình phải bẻ thì trái chuối mới phát triển tròn đều. Khoảng một tháng rưỡi thì buồng chuối vào giai đoạn thu hoạch. Các kỹ sư còn làm xét nghiệm đất, hướng dẫn chúng tôi cặn kẽ khâu chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển…”, một nông dân say sưa kể.
Theo tính toán của nông dân, bình quân mỗi cây có buồng nặng từ 25 – 30kg. Với tổng số 180 ngàn cây chuối, vườn chuối tại Nông trường sông Hậu sẽ cho sản lượng trên 3.500 tấn. Hiện giá được bao tiêu từ 8.000 – 8.500đ/kg. Sau vụ chuối đầu, chỉ hơn 4 tháng sau sẽ có lứa thu hoạch thứ hai từ lứa chuối con. Và thêm một vụ thu hoạch nữa bà con mới đốn bỏ vườn chuối và trồng mới lại.
Kỹ sư Nguyễn Khoa Nam (phụ trách kỹ thuật của HTX Lâm Phát Hưng) cho biết, nhờ lợi thế đất phù sa phì nhiêu, việc canh tác tuân theo qui trình kỹ thuật mới nên trái chuối có hình dạng đẹp, độ đồng dạng cao, vỏ xanh sáng, mịn màng; độ ngọt chuối chín đạt 19.4 độ Brix…
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, cho biết, mô hình HTX trồng chuối cấy mô đem lại kỳ vọng đổi đời cho hàng ngàn nông dân nơi đây.
“Điều phấn khởi nhất là do tiếp cận với cách sản xuất, tiêu thụ bài bản nên nông dân nơi đây rất tự tin, không hề nghĩ đến tình cảnh chuối đến ngày thu hoạch nhưng bán không ai mua, để cho heo, cho dê, cho cá ăn; phải trông chờ đến “chiến dịch” giải cứu giống như một số nơi”, ông Phú nói.