Ông Nguyễn Phước Quang, chủ cơ sở dệt, đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ (ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú), đã thành công trong việc dùng bẹ cây chuối hột dệt ra chiếc chiếu và nhiều vật dụng có giá trị. Từ nguồn nguyên liệu đơn giản, ông đã tạo thành sản phẩm có ích, nổi tiếng khắp nơi.
Tận dụng thứ người ta… bỏ đi
“Chuối hột là một loại cây hoang dã mọc khắp nơi trong tỉnh. Trước đây, cây chuối hột chỉ dùng để ăn bắp, lá gói bánh. Hiện nay, trái chuối được dùng làm thuốc trị bệnh, bẹ chuối còn làm ra nhiều sản phẩm mang tính giá trị gia tăng như chiếu, thảm lót, sọt đựng rác… Việc này đã mở ra một triển vọng rất lớn cho quá trình đa dạng hóa cây trồng, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị” – ông Trần Văn Thời, người dân xã Thạnh Mỹ Tây, chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Phước Quang sống với nghề dệt chiếu lát từ rất lâu. Năm 2010, ông đi vào nghiên cứu việc dùng bẹ chuối hột phơi khô để dệt thành phẩm như thảm, chiếu và nhiều sản phẩm khác. Ông mang giải pháp này dự thi tại cuộc thi sáng tạo khoa học- kỹ thuật của tỉnh và được trao giải khuyến khích. Sau đó, ông đã tổ chức sản xuất hàng loạt sản phẩm. Chiếu của ông có nhiều kích thước khác nhau, bán trong nội địa từ 120.000 – 130.000 đồng/chiếc, xuất sang Campuchia từ 180.000 – 190.000 đồng/chiếc, xuất sang Châu Âu giá còn cao hơn. Người dân địa phương được hưởng lợi từ việc đi làm công nhân dệt chiếu, làm đại lý tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức trồng chuối hột để bán cho cơ sở dệt chiếu. Bình quân mỗi công đất trồng chuối hột bán, nông dân thu nhập hàng chục triệu đồng.
Tăng giá trị sản phẩm
Đến nay, từ nguyên liệu bẹ chuối hột phơi khô, ông Quang đã làm ra rất nhiều sản phẩm mang tính giá trị gia tăng như chiếu, thảm lót sàn nhà, thảm chùi chân, sọt đựng rác… Sản phẩm được Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang đưa đi giới thiệu tại Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Tịnh Biên năm 2011. Ngay sau đó, chiếu chuối được người dân trong và ngoài tỉnh tiếp nhận, đánh giá rất cao. Sản phẩm không chỉ bán trong nước, mà được người dân Campuchia tiêu thụ mạnh và rất ưa chuộng. Anh Quang cho biết, cây chuối hột sau khi thu hoạch quả, thay vì bỏ đi thân cây, anh đã tận dụng mua lại của người dân với giá 6.000 đồng/kg lấy bẹ dệt thành chiếu. Nguyên liệu qua xử lý chống ẩm mốc, mối mọt, rồi đưa vào máy cắt thành sợi, sau đó mang đi dệt. Lợi thế của sản xuất chiếu chuối là nguyên liệu rất dễ tìm. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, chiếu được trang trí hoa văn rất đẹp, bắt mắt, có độ bền, chắc nhưng vẫn mềm mại. Đặc biệt, chiếu dệt bằng bẹ chuối hột còn có tác dụng làm giảm đau lưng. Thấy sản phẩm hữu ích, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã hợp tác với cơ sở sản xuất ra hàng loạt mặt hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu sang Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. “Năm 2013, cơ sở sản xuất 17 tấn nguyên liệu. Càng về sau, lượng nguyên liệu mua của nông dân càng tăng. Nhiều người đã chuyển đất trồng lúa sang trồng cây chuối hột để bán bắp, trái, lá và cả thân cây như trường hợp ông Huỳnh Văn Bá, xã Nam Thái (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), trồng đến 6 héc-ta chuối hột để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở. Trồng chuối hột bây giờ đã trở thành một cái nghề hẳn hoi và cho thu nhập rất cao” – ông Quang thông tin.
Hiện tại, mỗi chiếc chiếu bán cho Vinatex đến 230.000 đồng và mở ra một triển vọng khả quan trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do phải phụ thuộc vào đối tác ở đồng vốn cũng như thị trường nên anh Quang không mấy phấn khởi. Nguyên vọng của anh là được Nhà nước tạo điều kiện để vay vốn bằng hình thức tín chấp, mở rộng cơ sở sản xuất, tiêu thụ bẹ chuối hột phơi khô của nông dân trong vùng ngày càng nhiều hơn, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng lúa sang trồng chuối hột, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng là một ngành nghề mới, giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn.