Đã có lần tôi cùng đoàn cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Việt Yên đến thăm mô hình trồng dưa lê xanh của gia đình anh Nguyễn Văn Đằng, thôn Dục Quang, thị trấn Bích Động. Nhìn những quả dưa nhung nhúc mọc ra từ thân dây bò ngang mặt ruộng, trông thật thích mắt. Giờ đây, vẫn trên khu ruộng ấy, vườn chuối tây Thái Lan còn mang lại giá trị thu nhập cao hơn nhiều.
Anh Nguyễn Văn Đằng là nông dân cần cù chịu khó. Không những vậy, anh còn khá nhạy bén trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sớm tiếp cận với các loại cây trồng mới cho thu nhập cao. Ngoài thành công với cây dưa, anh Đằng đã từng trồng nhiều loại cây khác như mía, bí ngồi.
Nói về cơ duyên đến với cây chuối tây Thái Lan, anh cho biết: “Tôi có một người bạn làm nghề buốn bán, thường đi lại sang Quảng Ninh. Anh đã nói cho tôi biết ở Quảng Ninh có nhiều người giầu lên từ trồng chuối. Thế là tôi mầy mò đến tận nơi tham quan. Ở trong vườn chuối của người ta tôi cứ mê mẩn, chẳng muốn ra ngoài. Đúng là chuối tây dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây mà gia đình tôi và người dân địa phương đang trồng”.
Thế rồi từ tháng 6/2015, Anh đem gần 2000 cây giống về trồng trên ba mẫu ruộng. Nhờ áp dụng những kiến thức đã được học, anh thấy vườn chuối ít sâu bệnh và dễ thích nghi với đồng đất quê hương. Chuối lớn nhanh, cây chắc khỏe. Vụ chiêm xuân vừa rồi, hai vợ chồng anh bỏ ra bảy ngày đi xin được 50 xe rơm để về ủ gốc, làm cho cây càng tốt hơn. Đôi bàn tay cần cù cùng với những giọt mồ hôi đổ xuống, anh đã thu được những thành quả đáng mừng.
Cây chuối không phụ công người trồng. Sau khoảng một năm, vườn chuối tây của anh bắt đầu cho thu hoạch. Mà loại cây này hay thật. Nó cho người trồng thu lợi từ nhiều bộ phận trên cơ thể của mình. Nào là my, buồng quả ở phần ngọn rồi đến cả cây con trồi lên từ gốc. Bởi thế mà lợi nhuận cũng sinh sôi.
Một cái my chuối nặng khoảng 2,5 – 3 kg, bán với giá 15.000 đồng. Quả to, năng suất cao, chất lượng tốt giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg. Bình quân mỗi buồng bán được hơn 300 nghìn đồng. Một cây chuối con cũng bán được 30.000 đồng. Anh bỏ vốn đầu tư khoảng 100 triệu, thu lại hơn 300 triệu đồng và vẫn còn đang tiếp tục thu hoạch số cây còn lại. Sức tiêu thụ của thị trường đối với các loại sản phẩm này rất lớn, cứ cắt đến đâu anh bán hết đến đó. Sau thu hoạch, cây chuối con lại từ gốc cây mẹ mọc lên. Anh đỡ được công làm đất và trồng lại, chỉ việc đầu tư phân bón và chăm sóc cho cây lớn lên.
Theo bà Ngô Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Việt Yên, mô hình trồng cây chuối tây Thái Lan của gia đình anh Nguyễn Văn Đằng là một mô hình tiêu biểu của nông dân trên địa bàn huyện. Để giúp đỡ gia đình anh, năm 2015, Trạm Khuyến nông đã hỗ trợ anh Đằng sang Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho gia đình anh trong quá trình chăm sóc. “Khi vườn chuối của anh Đằng đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2016, Trạm đã mua 1.700 cây chuối giống của gia anh để nhân rộng cho nhiều hộ gia đình ở xã Việt Tiến trồng. Đến nay những cây chuối được trồng ở Việt Tiến đang phát triển rất tốt” – Bà Ngô Thị Lan cho biết.
Quan sát kỹ khu vườn, chúng tôi thấy có cả những cây bưởi diễn thấp thoáng trong các khóm chuối. Anh Đằng nói vui: “Mình là nông dân thì phải chịu khó bới đất tìm cỏ thôi”. Rồi anh cho biết thêm, trước khi trồng chuối anh đã mua 300 cây bưởi về trồng. Say này khi bưởi được thu, anh sẽ dành khoảng một mẫu đất vườn trồng bưởi, diện tích còn lại trồng chuối. Anh Đằng nói: “ Việc trồng các loại cây có thu nhập cao là hướng đi mới để phát triển kinh tế của gia đình tôi. Chúng tôi sẽ tập trung vào những loại cây này để thay thế các loại cây kém hiệu quả trước đây”.
Từ việc dám nghĩ đến dám làm và làm đúng cách đã giúp cho gia đình anh Đằng đổi đời với vườn chuối Tây Thái Lan. Được biết không chỉ là một người nông dân sản xuất giỏi, anh Nguyễn Văn Đằng còn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Hiện anh là Phó thôn Dục Quang.