Vào thời điểm này tết Nguyên Đán 2017, các tiểu thương bán đồng giá các loại rau: rau muống, rau cải, cải cúc với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, tăng giá gấp 6 lần so với trước Tết. Đặc biệt, mua một nải chuối mất cả trăm nghìn đồng.
Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử VTC News tại các chợ Nam Đồng, Khương Thượng (quận Đống Đa), Châu Long, Thành Công (Ba Đình), chợ Hôm – Đức Viên (Hoàn Kiếm), một số loại thực phẩm thiết yếu như rau xanh, thịt cá đã được bán trở lại từ mùng 2 Tết.
Trong số các loại thực phẩm, rau xanh có mức tăng mạnh nhất, đặc biệt là các loại rau thơm, mức tăng có thể lên tới 4, 5 thậm chí 6 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá các loại rau xà lách, rau húng, rau mùi,… có mức tăng gấp 3 từ 3.000 – 4.000 đồng lên 10.000 đồng. Các loại rau khác như rau muống, rau cải, cải cúc,… có mức bán đồng giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng, tăng giá 6 lần so với 1 tuần trước. Một số loại rau khác như bắp cải, khoai tây, su hào, giá tăng gấp rưỡi.
Chị Liên, một tiểu thương bán rau ở chợ Châu Long cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá rau xanh đồng loạt như vậy là do nguồn hàng khan hiếm: “Bản thân chúng tôi nhập từ nhà vườn đã đắt gấp đôi so với ngày bình thường rồi, nên việc rau xanh tăng giá là không tránh khỏi.
Ngoài ra, theo chị Liên, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng rau xanh tăng mạnh là do thời tiết.
“Năm nay nắng nóng, các loại rau ưa lạnh như bắp cải, xà lách,… không được tươi, và nguồn hàng cũng ít. Cộng với thời điểm trước Tết, người dân ồ ạt đi mua rau về dự trữ nên chúng tôi không có nhiều hàng để bán”.
Cũng tại chợ Châu Long, mặt hàng hoa quả cũng có mức tăng giá chóng mặt, các loại cam, quýt, bưởi được tiêu thụ nhiều nhất do nhu cầu đi lễ của người dân. Chuối xanh giá dao động từ 40.000 – 120.000 đồng/nải. Một nải chuối đẹp, quả to đều, giá tới 100.000 – 120.000 đồng/nải, cao gấp ba, bốn lần ngày thường.
Bên cạnh mặt hàng rau xanh, các loại thịt, cá cũng có mức tăng nhẹ. Đơn cử, giá thịt bò ngày mùng 3 Tết có giá từ 280.000 – 320.000 đồng, tăng khoảng 40.000 đồng so với trước Tết. Giá cá chép tăng 50.000 đồng lên 100.000 – 120.000 đồng/kg, táo Mỹ tăng lên 150.000 đồng/kg, cam canh 80 – 100.000 đồng/kg, thanh long 50.000 – 60.000 đồng/kg…
Giá thịt lợn có mức tăng nhẹ nhất khoảng 10.000 đồng. Lý giải cho việc thịt lợn có mức tăng ít, cô Hiền – một tiểu thương tại chợ Hàng Da cho biết: “Thịt lợn năm nay rớt giá, kể cả thời điểm trước Tết hay sau Tết đều thấp nên việc tăng giá nhẹ là điều dễ hiểu”.
Tại thời điểm trước Tết Nguyên Đán, giá thịt lợn giảm kỷ lục. Một số hộ chăn nuôi lợn cho biết, có thời điểm giá thịt lợn bán chưa được 1/3, so với thời điểm năm ngoái.
Từ ngày mùng 3 Tết, hệ thống siêu thị Big C, Coopmart… đã mở của. Các hệ thống siêu thị khác bắt đầu hoạt động vào mùng 6 Tết. Còn tại các chợ cóc, chợ truyền thống, các tiểu thương cho biết từ mùng 6 Tết, khi mọi người trở lại kinh doanh sản xuất bình thường thì nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả sẽ giảm dần và ổn định.
Vậy để có một tết Nguyên Đán 2018 no đủ, người tiêu dùng hãy chủ động chuẩn bị các thực phẩm sạch cần thiết, có thể trồng các loại rau thơm, rau sống sạch ngắn ngày để tiết kiệm chi phí, góp phần hạn chế khan hiếm hàng hóa dẫn đến giá tăng cao.