Cây chuối nói chung, chuối tiêu hồng nói riêng rất sợ úng và mẫn cảm với các bệnh do virus gây hại.
Chọn cây giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, trồng chuối trên đất cát pha, thịt nhẹ và bón vôi bột, sẽ căn bản khắc phục được các nguy hại nêu trên. Kết hợp với một số biện pháp chăm sóc khác, nhà nông sẽ có được những mùa bội thu.
1. Thời vụ trồng chuối tiêu hồng:
Tháng 1-3. Đào hố so le nanh sấu, kích thước: 40 x 40 x 40cm. Trồng cây cách cây, hàng cách hàng: 2m, đảm bảo 90 cây/sào (360m2).
2. Bón phân cho chuối tiêu hồng:
– Bón lót cho 1 hố: 7 – 10kg phân chuồng hoai mục + 0,3kg lân Super + 0.5kg vôi bột + 5gr Basudin 50EC (trộn đều các loại phân đưa xuống hố – phủ đất – trồng cây – lấp đất kín gốc tới độ sâu cách mặt luống 10cm – tưới ẩm). Khi trồng tuyệt đối không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân.
– Bón thúc khi cây bén rễ, ra lá (sau trồng 10 – 15 ngày): Lượng bón, 15g urê + 100gr lân + 10g kali + 20 lít nước sạch – Hòa tan tưới 1 lít/gốc. Định kỳ 15 ngày/lần.
– Bón thúc sau trồng 5-6 tháng: 120 – 130kg tro bếp + 20kg vôi bột + 10kg NPK 20-20-15+TE Đầu trâu – vôi bột, tro bếp rắc trực tiếp lên mặt luống, cách gốc 15 – 20cm, rồi vét đất ở rãnh phủ kin phân. NPK tùy theo thời tiết – Hòa nước tưới khi trời nắng hạn. Rắc phân khô khi có mưa.
– Sau trồng 7 – 8 tháng: Bón 15 – 17kg NPK 13-13-13+TE Đầu trâu.
– Sau trồng 9 – 10 tháng: Bón 15kg NPK 13-13-13+TE Đầu trâu + 5kg kali clorua.
– Phun phân bón lá (giàu urê và kali) 2 lần cách nhau 10 ngày. Khi cây chuẩn bị ra buồng và ngay sau cắt hoa.
* Chú ý: Tuyệt đối không bón phân chuồng tươi. Tùy tình hình thời tiết: Khi nhiệt độ không khí quá cao (trên 35 độ) hay quá thấp (dưới 15 độ) thì dừng bón các loại phân. Nhằm tránh gây tổn thương cho bộ rễ chuối.
3. Tỉa mầm (rất quan trọng)
Trên cây mẹ chỉ để 2 – 3 mầm cây con. Không để mầm cây con ở vị trí ngay dưới buồng quả. Sau thu hoạch, đốn cây mẹ, rắc vôi bột vào gốc, để nuôi 1 cây mầm ra đầu tiên. Chăm sóc 9 – 10 tháng sau sẽ cho thu hoạch tiếp.
Khi tách mầm nhân rộng ruộng sản xuất chuối. Chỉ tách lấy mầm đời cháu để trồng. Không lấy mầm cây con ở đời thứ tư. Cần thay mới bằng cây giống nuôi cấy mô.
– Ruộng chuối cần luôn đảm bảo đủ ẩm. Các ruộng chuối mới trồng, nên xen canh với cây họ đậu. Để tăng thu nhập. Bồi dục đất. Giữ ẩm. Chống rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại.
4. Cắt hoa, gò buồng
Khi buồng chuối tiêu hồng đã cho 10 – 13 nải quả. Lớp quả ở đáy buồng nhỏ, bé và cong vẹo, cần cắt hoa ngay và tiến hành gò buồng. Dùng dây nilon mềm buộc chặt cuống đáy buồng chuối, kéo vít vào thân cây và cố định. Sao cho hướng buồng chuối vuông thẳng với mặt vườn. Mục đích, cho nải quả cong đều, ít bị gió lắc.
5. Chống đổ
Sau cắt hoa khoảng 1 tháng. Dùng dây nilon bền và to bản. Buộc chặt cổ ngọn chuối tiêu hồng vị trí tiếp giáp cuống buồng quả với thân ngọn cây. Vít kéo dây ngược chiều ngả của cây căng tầm. Buộc cố định dây vào gốc chuối đối diện. Thêm 1 dây nilon cùng loại bó ngang thân để cho cây thêm chắc. Cách 0,5 – 0,7m buộc quấn 1 vòng, tới chắc tay thì thít dây cố định.
6. Phòng trừ sâu bệnh hại:
– Nhổ cỏ, cắt bỏ lá già, lá khô.
– Bao buồng quả bằng túi nilon trắng (có đục lỗ thoát ẩm ở đáy túi). Bao buồng khi nải quả bắt đầu uốn cong.
– Rắc Basudin hạt vào gốc (trừ sâu đục thân). Phun Tilsuper (trừ bệnh vàng lá); Ridomil hoặc Anvil (chống đốm quả); Fastac (trừ bọ nẹt, châu chấu); Meliparathion (trừ bọ vẽ quả)…
7. Thu hoạch
Chuối tiêu hồng nuôi cấy mô thường sau trồng 12 – 13 tháng mới cho thu hoạch. Nếu vận chuyển tiêu thụ xa, thì thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu xanh đậm sang xanh nhạt, quả chuối căng đều không còn gờ cạnh. Tiêu thụ nội vùng, nên thu khi vỏ quả chuyển hanh vàng. Sau thu hoạch chống ngược buồng quả xếp trong nhà kín.
Theo NGUYỄN HẢI TIẾN (nongnghiep.vn)