Rễ cây là một cơ quan sinh dưỡng của thực vật, thực hiện các chức năng chính như bám cây vào lòng đất, rễ cây hút nước và các chất khoáng, hô hấp. Ngoài ra rễ cây còn là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng, là cơ quan sinh sản sinh dưỡng của thực vật.
– Khác với các loại cây ăn quả khác, chuối là dạng rễ chùm, 2-5 rễ một chùm. Rễ có hệ thống con phân bố gần phủ kín bề mặt rễ kể từ phần giáp thân chính. Rễ được hình thành và sinh trưởng, phát triển ở phần thân ngầm.
– Rễ con rất nhỏ và ngắn so với rễ chính (rễ cấp một) do đó sự hình thành rễ con này có ảnh hưởng đến khả năng hút nước và dinh dưỡng liên quan đến cách bón phân thúc cho chuối trong quá trình chăm sóc sau khi trồng như thế nào là hợp lý. Rễ có chức năng hút dinh dưỡng, nước và khoáng.
– Đường kính khoảng 5 – 10 mm. Rễ chuối mềm, dễ thối khi điều kiện môi trường bất lợi như úng nước, sát thương cơ giới, sâu bệnh hại rễ…
– Rễ bất định mọc từ bề mặt trung tâm của củ chuối (thân ngầm) thành từng nhóm 2 hoặc 5 rễ.
– Các rễ nằm ở đáy củ thường ăn sâu xuống đất 60 – 70 cm, các rễ nằm xung quanh củ có khuynh hướng ăn lan rộng, nếu đất tơi xốp và thoáng khí, nhiều mùn thì rễ chuối có thể ăn lan rộng 4 – 4,5 mét tùy theo giống.
– Một cây chuối trưởng thành có khoảng 500 – 600 rễ.
– Lông hút nằm ở xa thân ngầm, gần với chóp rễ. Vì thế cần chú ý khi bón phân bón cách xa gốc khoảng 50 – 60cm nơi tập trung nhiều lông hút.
– Rễ chuối hút nước yếu khoảng 40% lượng nước có ích trong đất , cho nên tốt nhất cần duy trì độ ẩm trong đất luôn luôn tiếp cận độ ẩm tối đa. Đặc biệt đối với chuối tiêu là giống chịu hạn kém nhất. Trường hợp hạn hán kết hợp với rét sẽ làm cho cây chuối trưởng thành “ nghẹn buồng” (hoa không trổ thoát).
– Khi hoa đã trổ thoát, nếu bị hạn buồng chuối sẽ ngắn lại, quả chuối nhỏ hàm lượng đường thấp, hàm lượng acid cao, mất giá trị thương phẩm.