Các loại chồi chuối
– Chồi (chuối con) được hình thành từ phần trên của thân ngầm (củ chuối).
– Có hai loại chồi: Loại chồi đuôi chiên và loại chồi đuôi lá rộng.
+ Loại chồi đuôi chiên
* Được sinh ra từ khoảng tháng 4, tháng 5 trở đi. Nếu điều kiện ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, loại chồi này sinh ra rất nhanh và sinh trưởng rất mạnh.
* Mầm ngủ phát triển hình thành dạng chồi mụt, chồi mụt tiếp tục phát triển hình thành giai đoạn chồi búp măng.
* Chồi búp măng phát triển hình thành chồi đuôi chiên.
* Đường kính gốc to, tỷ lệ giữa đường kính gốc với đường kính ngọn lớn. Cây có dạng như đuôi cá chiên (chồi đuôi chiên).
+ Loại chồi con lá rộng:
* Loại chồi được sinh ra từ một mảnh thân ngầm sót lại của cây mẹ (chồi con mồ côi) hoặc ở những cây mẹ yếu ớt.
* Do không có cây mẹ hỗ trợ nên khi mọc lên sớm phát triển bộ lá để có thể sống độc lập. Dinh dưỡng rễ cây lấy được chủ yếu nuôi lá nên phát triển đường kính thân giả chậm, thân giả có dạng ống nứa.
Vai trò của chồi mầm
– Chồi con có vai trò trong nhân giống chuối.
– Với chồi đuôi chiên
+ Loại chồi đuôi chiên giữ lại, để đến tháng 8 – 9 trồng rất tốt.
+ Loại chồi đuôi chiên sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh, mau ra buồng, sản lượng cao.
– Với chồi lá rộng
+ Loại chồi lá rộng trồng lâu bén rễ, tốc độ sinh trưởng chậm, cho năng suất thấp.
+ Thường dùng chồi lá rộng làm giống khi thiếu cây giống bằng chồi đuôi chiên.
– Trong quá trình hình thành chồi con gốc chuối cao dần lên, nên khi trồng cần có độ sâu 20 – 30 cm đối với thân ngầm và trong quá trình chăm sóc cần vun gốc để tránh đổ cây khi gặp điều kiện bất lợi như gió, bão.