Chuối Mốc (Chuối sứ, chuối nai) là loại cây trồng phổ biến ở nước ta. Loại cây này không sợ khô hạn trong mùa nắng, không lo bị ngập úng vào mùa mưa và trồng được quanh năm. Nhưng hiện nay cây chuối mốc thường bị sâu bệnh, trái – quầy chuối không đẹp, … Nguyên nhân là do kỹ thuật canh tác chưa hợp lý và giống chuối đã bị thoái hóa. Để khắc phục được vấn đề về kỹ thuật và giống, hôm nay cơ sở chuối cây mô Hòa Linh xin trình bày kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối mốc cấy mô.
Việc sử dụng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh và áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc hợp lý sẽ góp phần hạn chế sự lây lan các bệnh trên cây trồng, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, nâng cao năng suất. Góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho người sản xuất. Khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh về tự nhiên ở vùng nông thôn, miền núi nhằm tạo ra sản phẩm chuối mốc Khánh Hòa có giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững hoạt động sinh kế nghề trồng chuối, làm giàu cho gia đình và cộng đồng.
I. ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH THÍCH HỢP
- Nhiệt độ: 25 – 30oC
- Độ ẩm thích hợp từ: 50 – 90%
II. CHUẨN BỊ
1. Đất trồng:
- Chuối mốc có thể trồng trên nhiều loại đất, nhiều thổ nhưỡng như: đất đồi, nương rẫy, đất phù sa…thích hợp nhất là đất có nhiều mùn, dễ tiêu thoát nước.
- pH đất thích hợp từ 5-7.
2. Hố trồng:
- Chuẩn bị hố có kích thước 40x40x40 cm.
- Làm đất trong hố: trộn lớp đất mặt với 5-7 kg phân hữu cơ kết hợp với 0.5kg phân lân.
3. Cây giống:
- Giống sử dụng nên chọn giống cấy mô.
- Cây con cao khoảng 15-20cm, có từ 3-5 lá có thể đem trồng ra vườn.
4. Thời vụ trồng: Trồng quanh năm
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CHUỐI MỐC CẤY MÔ
1. Mật độ trồng:
- Trồng cây trong hố với khoảng cách: Cây cách cây 2.5m, hàng cách hàng 3m.
- Không nên trồng quá dày hoặc quá mỏng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây.
2. Cách trồng:
- Cách trồng: Đặt cây con thấp hơn hố trồng từ 10-15 cm, sau đó lấp đất đầy hố trồng.
- Thời gian trồng: Chỉ nên trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh trồng vào buổi trưa hoặc thời tiêt nắng gắt.
Chú ý: Tưới đủ nước cho cây sau khi trồng. Nếu trồng vào mùa nắng nên dùng rơm rạ phủ quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
3. Điều chỉnh lượng nước tưới
- Mùa nắng: Cây con cần tưới 2 ngày/lần, khi cây đã lớn, giảm tần xuất tưới còn 2 lần/tuần.
- Mùa mưa: Gặp thời tiết mưa to kéo dài chủ vườn cần có biện pháp thoát nước tốt, tránh ngập úng vườn.
4. Bón phân
- Bón lót: Sau đợt thu hoạch cần phải bổ sung lại chất dinh dưỡng cho đất trồng bằng phân bón hữu cơ: Bón 4-7kg phân bón hữu cơ + 0.5kg lân.
- Bón thúc: Bón thúc cho cây giúp cây cho năng suất cao, ổn định hơn.
Trung bình, 1 cây chuối Mốc cần bón thúc 0.3kg Urê và 0.3 Kali/cây/vụ. Lượng phân này chia ra bón trong 6 lần:
+ Lần 1: 20 ngày sau trồng 10g Urê.
+ Lần 2: 30 ngày sau trồng 10g Urê + 10g Kali.
+ Lần 3: 60 ngày sau trồng 40 g Urê + 50 g Kali.
+ Lần 4:120 ngày sau trồng 90 g Urê + 70g Kali.
+ Lần 5 :180 ngày sau trồng 100 g Urê + 70 g Kali.
+ Lần 6: Trước khi cây trổ buồng (ra lá non) bón 50g Urê + 100 g Kali.
- Cách bón: Xới rãnh nông theo vòng tròn cách gốc 30 – 35 cm, rải phân, lấp đất lấp phân lại và tưới nước để giữ ẩm.
5. Chăm sóc
– Thường xuyên quan sát vườn, tiến hành tỉa chồi, chỉ giữ lại 2 chồi/ cây. Chú ý: Tuổi của các chồi cách nhau 4 tháng.
– Cắt bắp, chống ngã cho cây: Sau khi xuất hiện 1-2 nải trung tính, tiến hành cắt bắp. Dùng cây chống tránh đỗ ngã.
– Thường xuyên cắt bỏ lá úa vàng để cây phát triển, tránh sâu bệnh hại.
– Chặt bỏ các cây mẹ đã thu buồng, đào bỏ củ, cắt bỏ lá khô, sâu bệnh… gom lại để thiêu hủy hoặc chuyển ra khỏi vườn.
6. Phòng trị sâu bệnh hại
Có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Câu nói này luôn đúng ở mọi trường hợp. Chính vì vậy mà bà con nên chú ý chăm sóc vườn chuối Mốc để cây được khỏe mạnh, áp dụng các biện pháp canh tác, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ, hạn chế phân hóa học. Áp dụng các thành tựu về Sinh học như Phân bón vi sinh, các chế phẩm Vi sinh… để phòng trừ bệnh và giúp cây chuối Mốc phát triển mạnh.