Trong khi xuất khẩu chuối ở các tỉnh miền Đông gặp khó khăn, rớt giá vì dội chợ, thì tại miền Tây, tổ hợp tác SX nông nghiệp Lâm Phát Hưng ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, vẫn ung dung với kế hoạch xuất hàng liên tục vào siêu thị và thị trường các nước Trung Đông, Malaysia, Singgapore và Hàn Quốc…
Hơn 30 năm trước, miền Tây từng xuất khẩu chuối mạnh qua thị trường các nước Đông Âu, và ngày nay, cách thức đầu tư, áp dụng qui trình kỹ thuật trồng trọt tiến bộ hơn trước rất nhiều.
Chuối miền tây vì sao hút hàng?
Từ trước tết, đến nghỉ tết chỉ mấy ngày, tất cả 9 thành viên trong THT Lâm Phát Hưng và hơn 60 công nhân lại tất bật bắt tay vào thu hoạch, sơ chế đóng hàng chuối tươi vào thùng để kịp cung ứng theo các hợp đồng đặt hàng xuất khẩu.
Giữa vườn chuối xanh bạt ngàn 87 ha nằm dọc theo con kênh vắt ngang qua phần đất phía tây của nông trường sông Hậu hiện có 3 trại sơ chế chuối bố trí cách đều, thuận tiện thu hoạch, vận chuyển hàng. Các công đoạn công nhân làm việc được bố trí hợp lý, nhịp nhàng, thuần thục không ngơi tay. Mỗi tuần tại đây xuất 80 tấn chuối (4 containner chuối tươi bảo quản trong nhiệt độ thấp).
Đó là một ngày giữa tháng 2, khi chúng tôi vừa đến đã thấy ông Tư Tính – Lâm Văn Tính, Tổ trưởng THT Sản xuất Lâm Phát Hưng đang thương thảo với hai khách hàng mới người Hàn Quốc. Họ đã đến tận vườn chuối khảo sát, xem xét chất lượng thật tỉ mỉ từ 3 ngày trước đó.
Ông Tư Tính nói: Khách mua từ Hàn Quốc luôn kỹ tính và đang chốt giá bán, thời hạn giao hàng. Hiện nay chuối Lâm Phát Hưng xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm 50%, nhưng chúng tôi không đặt trọng tâm nhắm vào một thị trường cố định mà hướng ra nhiều nước khác nhau để phòng tránh rủi ro. Muốn vậy chuối phải đạt theo yêu cầu chất lượng cao của khách hàng.
Ví như thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc ưa chuộng loại chuối trái nhỏ và vừa. Còn các nước Trung Đông chọn trái to hơn. Giá chuối giao hàng lên container bảo ôn tại cảng nông trường dao động trên dưới 7.000 đ/kg. Riêng giao hàng vào hệ thống siêu thị Aeon của Nhật tại TP.HCM mỗi tuần khoảng 500-600 thùng 8.000 đ/kg.
Kỹ sư Nguyễn Khoa Nam, phụ trách khâu kỹ thuật của THT, cho rằng: Chất lượng chuối sạch chính là yếu tố quyết định thuyết phục khách hàng. Bởi khách hàng nào cũng đến tận vườn chuối tham quan, khảo sát đôi ba lần mới ký hợp đồng đặt hàng.
Do vậy từ trước khi trồng chuối trên vùng đất này, chúng tôi phải xét nghiệm mẫu đất, áp dụng theo quy trình kỹ thuật công nghệ cao, trồng giống cấy mô như chuối Dole. Từ khi đặt trồng cây chuối con đến quá trình chăm sóc, kỹ thuật xử lý bao trái tới khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói bảo quản đều được các chuyên gia nông nghiệp từ Hàn Quốc và Philippines xuống tận nơi hướng dẫn.
“Nhờ lợi thế đất đồng bằng phù sa chuối tươi tốt và thực hiện canh tác theo qui trình kỹ thuật mới nên trái chuối có dạng hình đẹp, vỏ xanh sáng, mịn màng. Khách hàng kiểm tra đo độ ngọt chuối chín đạt 19.4 độ Brix”, KS Nam dẫn chứng.
Xu hướng công nghệ cao
Ông Tư Tính và các thành viên trong THT Lâm Phát Hưng từng xuất phát từ nhiều nghề khác nhau, nuôi cá tra, chủ nhà máy xay xát, kinh doanh lúa gạo…, nghề nào cũng có thời hưng thịnh, nhưng muốn phát triển cao hơn cần có cách làm mới.
Xem thời sự, đón cơ hội hợp tác thương mại mở ra với các nước trên thế giới, trong nông nghiệp nước ta, lĩnh vực trồng trọt ở ĐBSCL không chỉ có cây lúa mà còn có rau, củ, quả vẫn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên không thể làm theo lối mòn cũ, mà phải áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị nông phẩm.
Đã có phần đông nông dân có tâm lý lo âu, nhất là chờ có thị trường tiêu thụ rồi mới đầu tư SX. Tư Tính suy nghĩ khác, đầu tư vào nông nghiệp chọn lĩnh vực nào an toàn, thời điểm nào an toàn và sau khi nhận thấy cơ hội cần phải bắt tay SX ngay, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất đáp ứng yêu cầu thị trường.
Từ đó khi có trong tay sản phẩm đủ sức hấp dẫn, có đủ sản lượng chào hàng mới đàm phán, tạo niềm tin với khách hàng. Theo cách này, năm 2014, THT Lâm Phát Hưng ra đời, đầu tư 20 ha đất trồng chuối đầu tiên xem như mô hình thử nghiệm ban đầu.
Chọn giống chuối cấy mô giống như giống chuối già từng thích nghi thổ nhưỡng tốt ở ĐBSCL, THT triển khai trồng 2.500 cây/ha. Chuối trồng sau 9 tháng bắt đầu thu hoạch, một năm thu 2 vụ. Thời gian thu hoạch kéo dài 4 tháng sau đó lứa chuối gối vụ đợt 2 thu hoạch tiếp theo.
Kết quả năm đầu tiên đạt hiệu quả mỗi cây cho buồng đạt trên 20 kg, bình quân thu trên 50 tấn/ha. Sau đó chuyển tiếp giai đoạn 2, vào tháng 7/2015 THT đầu tư 17 tỷ đồng trên 87 ha, trong đó trừ diện tích hệ thống kênh dẫn nước, còn khoảng 60 ha chuối chuyên canh. Trong năm 2016 thị trường chuối hút hàng, trong khi sản lượng chuối từ hai nước xuất khẩu chuối lớn như Philippines và Ecuado không đủ cung ứng, chuối nước ta có giá tốt với mức 7.000 đ/kg.
Ông Tư Tính đúc kết: Với thời giá chuối Lâm Phát Hưng đang xuất hàng, nếu áp dụng các công nghệ tưới cơ giới tự động giảm nhân lực từ 30 người/tuần như trước đây còn 6 người trong 3 ngày hiện nay, cùng với các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế đảm bảo trong 8 giờ xuất hàng đến xe đông lạnh… đầu tư trang trại trồng chuối qui mô lớn đạt hiệu quả.
“Tương tự như THT Lâm Phát Hưng, hiện nay tại Tri Tôn, tỉnh An Giang, có một số nông dân đầu tư trên 200 ha chuyên canh chuối công nghệ cao xuất khẩu. Từ quá trình chuyển hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào trồng trọt, chúng tôi nghĩ tới trong tương lai có thể áp dụng công nghệ cao hơn như trồng chuối trong nhà lưới và kiểm soát tốt từ khâu lọc nước tưới đảm bảo không nấm vi sinh, không sâu bệnh… để xuất vào thị trường cao cấp như EU, Nhật, Mỹ, vì hiện có giá tới 100.000 đ/kg”, Tư Tính nói.