Những năm gần đây, không ít người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển sang trồng chuối cấy mô để nâng cao thu nhập cho gia đình. Việc làm này cho thấy đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh chuối cấy mô ở Hậu Giang”, do PGS.TS Lê Văn Bé, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm đã mang lại hiệu quả.
Với 2 công chuối cấy mô, mỗi tháng bà Hồ Thị Ánh thu về lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng.
Bà Hồ Thị Ánh, ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chuối cấy mô là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh và sau khi trồng 8 tháng, chuối bắt đầu cho trái, trung bình 1 tháng có thể xuất bán 3 lần, mỗi lần khoảng 1 triệu đồng/công, tính ra lời hơn trồng màu rất nhiều”.
Theo bà Ánh, lúc trước khi mới trồng, thương lái chưa dám thu mua. Thế nhưng, sau khi chuối cấy mô được phổ biến và trồng nhiều ở địa phương trong tỉnh thì thương lái bắt đầu ráo riết tìm mua với giá khá cao. Cụ thể, nếu thu mua ký thì có giá 5.000 đồng/kg, còn mua buồng thì giá dao động từ 55.000-60.000 đồng/chục (10 nải), tăng hơn 10.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, từ 2 công chuối hiện có của gia đình, mỗi năm cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí sản xuất.
Ông Đào Văn Tậm, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “So với chuối xiêm, chuối già, chuối cấy mô có sức sống mạnh, ít bệnh và cho năng suất cao, trung bình 1 buồng chuối nặng từ 20-25kg. Vì vậy, khi trồng chỉ cần chịu khó tìm cây để đỡ buồng chuối chờ đến ngày xuất bán, hạn chế rất nhiều rủi ro”. Ông Tậm cho rằng, việc trồng xen canh chuối vào liếp cam để lấy ngắn nuôi dài rất hiệu quả. Vì lẽ đó, trước đây, mấy công vườn trồng xen canh chuối cấy mô của gia đình ông Tậm, cho thu nhập trên 600.000 đồng/lần bán và không còn lo lắng nhiều đến chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Trồng chuối cấy mô hơn 8 tháng, ông Nguyễn Văn Minh, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Trồng cây gì cũng tính chuyện đầu ra, nhưng thời gian này, đối với chuối cấy mô thì tôi khá yên tâm. Bởi, chuối này không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn có xu hướng xuất khẩu ra nước ngoài”. Theo sự tính toán của ông Minh, chỉ cần thị trường xuất bán chuối ổn định, từ 30 công đất trồng chuối, trong đó, có 5 công trồng chuối cấy mô sẽ thu về lợi nhuận khá cao, ước khoảng hơn 4 triệu đồng/lần bán. Ngoài ra, thân chuối cũng có thể tận dụng để nuôi thêm gia cầm, hay chỉ cần cắt lá chuối bán cho mối lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, với giá 9.000 đồng/kg cũng kiếm thêm lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Trung Nhiệm, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Phụng Hiệp, cho hay: Thời gian qua, phong trào trồng chuối cấy mô xen canh trên vườn cây ăn trái của người dân địa phương phát triển khá mạnh. Nhưng do là mới bước đầu trồng thử nghiệm, nguồn cây giống còn hạn chế, vì thế chỉ có thể hỗ trợ 200 cây chuối giống/hộ. Ngoài ra, nếu hộ dân đăng ký, có nhu cầu trồng nhiều cần phải có thời gian, vì hiện nguồn cung cây giống không đủ. Song, địa phương cũng có các vựa thu mua chuối nên trước mắt người dân khá yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Nguyễn Thị Kiều, đánh giá: Trên thực tế, mô hình trồng thử nghiệm chuối cấy mô đã được phát triển rộng hầu hết ở các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh như: Phụng Hiệp, Châu Thành, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh… Đây có thể xem là mô hình lấy ngắn nuôi dài khá hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đồng thời, người dân có vốn ít cũng có thể áp dụng, cải thiện kinh tế gia đình. Tới đây, nếu ở từng địa phương có thể trồng tập trung khoảng 5ha sẽ có các công ty, doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn của đơn vị bao tiêu để người dân yên tâm sản xuất.