Chia sẻ kỷ thuật trồng cây chuối xuất khẩu là một series đưa ra các giải pháp tốt nhất giúp bà con nông dân có thể xử lý tại vườn chuối nhà mình, nhằm mục đích nâng cao kiến thức cũng như bồi dưỡng kỹ năng thiết yếu để bà con nắm vững và áp dụng vào vườn nhà mình.
Như chúng ta đã biết, cây chuối là một trong những cây khá phổ biến ở Việt Nam và được trồng nhiều ở những vùng quê, trải dài từ bắc đến nam, tương đối dễ trồng và sinh trưởng. Tuy nhiên, thực chất, không phải ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam cũng thích hợp cho làm chuối xuất khẩu do nó còn phù thuộc nhiều về chất lượng đất, nước và chế độ chăm sóc. Vậy những địa điểm như thế nào thì phù hợp cho trồng chuối xuất khẩu?
Thứ nhất, cây chuối sinh trưởng tốt nhất ở những vùng đất có độ pH từ 5.5 đến 6.5, đặc biệt là loại đất pha cát có lớp đất mặt dày, giàu chất hữu cơ sẽ cho ra năng suất cao nhất. Tuy nhiên, chỉ trừ những vùng đất cát, đất mặn là không trồng được chuối, còn lại các loại đất khác đều có thể trồng được. Nếu kết hợp với chế độ bón phân và chăm sóc đúng kỹ thuật, cùng với nguồn giống thuần chủng chất lượng thì năng suất cho ra vẫn sẽ đạt như đúng kỳ vọng.
Đối với những vùng đất chua (độ pH thấp) thì cần phải lên líp để khử chua trước khi trồng. Có thể dùng vôi và các loại phân bón lót có tính bazo để làm tăng nồng độ pH trong đất.
Thứ hai, phải đảm bảo được nguồn nước tưới. Cây chuối là loại thân giả, lá to do đó trong quá trình sinh trưởng và phát triển cần rất nhiều nước. Nếu vùng đất quá khô hạn thì cây chuối sẽ chậm phát triển và cho ra chất lượng trái không đạt yêu cầu. Do đó, cần tìm kiếm vùng đất trồng chuối có nguồn nước tưới dồi dào, hoặc cần thực hiện các biện pháp tích nước cho mùa khô, chẳng hạn như xây dựng hồ chứa nước, bể nước mưa,…
Thứ ba, nên chọn vùng đất bằng phẳng, ít có gió bão. Việc chọn vùng đất bằng phẳng sẽ giúp tối thiểu được chi phí chăm sóc; việc chuẩn bị đất ban đầu, bón phân và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Hơn nữa, do tính chất của cây chuối là thân giả (thân từ lá tạo thành), phiến lá to và rễ mọc cạn do đó rất dễ bị gãy đổ nếu gió quá to. Những vùng hay xảy ra bão lụt, ngập úng thì nên xây dựng những hệ thống chắn gió, sử dụng những biện pháp chống, chằng dây để cân đối lực chống chịu cho cây.
Thứ tư, vùng đất cần tiêu nước tốt. Tiêu nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần phải chú ý. Đất trồng chuối cần phải tiêu nước tốt, mực nước ngầm cần phải cách mặt đất ít nhất là 1 mét để có thể nước trên bề mặt dễ thẩm thấu. Để nâng cao năng suất và chất lượng chuối, cần phải đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng hệ thống thoát nước cho trang trại. Nên có bản đồ địa hình để xây dựng hệ thống tưới tiêu trước khi bắt tay vào trồng.
Cuối cùng, chọn vùng đất canh tác sạch bệnh và không bị vàng lá trước đây. Đối với những vùng đất đã canh tác lâu năm thường chứa những dịch bệnh nằm sâu trong đất. Do đó, trước khi trồng cần tìm hiểu trước về mùa vụ trước đã trồng gì, có bị dịch bệnh gì hay không để lên phương án xử lý đất trước trồng. Đối với vùng đất đã bị bệnh vàng lá trước đây thì đặc biệt không nên trồng chuối vì vi khuẩn sống khá dai trong đất và rất khó chữa trị.
Trên đây là những kinh nghiệm thực tiễn trong việc lựa chọn đất trồng cây chuối. Ngoài ra, nên lựa chọn giống chuối cấy mô của những công ty uy tín, để đảm bảo cây sạch bệnh, mang phẩm chất tốt của cây mẹ với tỷ lệ sống cao.