Sau một thời gian canh tác theo phương pháp hữu cơ, những lô chuối già Cavendish (còn gọi chuối già Nam Mỹ) được trồng ở miệt rừng U Minh Hạ đã “xuất ngoại” một cách suôn sẻ. Ngoài giúp nhà nông tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, đây còn là thời cơ cho nông sản sạch ở Cà Mau thâm nhập sâu thị trường thế giới…
Cung không đủ cầu
Cuối tháng 3 vừa qua, ba công-ten-nơ (mỗi công-ten-nơ 20 tấn) chuối già Nam Mỹ, được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – Sản xuất chế biến gỗ Cà Mau (Công ty gỗ Cà Mau) xuất khẩu thành công sang Ả rập Xê-út và Đu-bai – thành viên Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Từ thời điểm ấy đến nay, bình quân mỗi tuần, có từ hai đến năm công-ten-nơ chuối được xuất sang thị trường UAE.
Tìm đến đơn vị chủ công đưa chuối mang thương hiệu Cà Mau (Cà Mau Banana) “xuất ngoại”, tại ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, chúng tôi được ông Châu Quốc Khải, chủ trang trại trồng chuối (Tổng Giám đốc Công ty gỗ Cà Mau) cho biết, toàn bộ chuối của trang trại đã được đối tác ký hợp đồng bao tiêu đầu ra tới tháng 2-2018. Giai đoạn đầu, mỗi tuần công ty giao cho khách hàng khoảng hai công-ten-nơ, về sau tăng dần lên, cao điểm có thể tới 20 công-ten-nơ mỗi tuần. Với giá bán hiện tại là 8.000 đồng/kg, mỗi héc-ta trồng chuối già Nam Mỹ, ông Khải cho biết, sau khi trừ đi các khoản chi phí còn lời thấp nhất cũng từ 100 đến 150 triệu đồng. “Quá trình trồng, tôi tích lũy được kinh nghiệm, cho nên trong hai năm, tôi có thể thu hoạch được tới ba vụ chuối, quy ra lợi nhuận cao gấp 3 đến 5 lần so với nông dân U Minh Hạ trồng rừng thâm canh” – ông Khải chia sẻ.
Đưa chúng tôi tham quan trang trại chuối bạt ngàn giữa rừng U Minh Hạ, ông Khải cho biết, công ty của ông đang có kế hoạch phát triển trang trại chuối già Nam Mỹ lên khoảng 600 ha, song hành với việc liên kết nông dân địa phương nhằm mở rộng tổng diện tích trồng chuối xuất khẩu lên khoảng 1.000 ha trong tương lai gần. Lý do mở rộng diện tích trồng chuối, theo ông Khải, một mặt, nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, giúp bản thân và những nông dân miệt rừng tăng thu nhập trên cùng diện tích, mặt khác, bởi đầu ra của chuối già Nam Mỹ là chưa có giới hạn. Ngoài UAE, một số khách hàng lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tìm về tận miệt rừng U Minh Hạ tham quan, lấy mẫu đất thử nghiệm và ăn thử chuối già trồng ở U Minh Hạ. “Thị trường Nhật Bản nổi tiếng khắt khe về chất lượng hàng hóa, nông sản nhưng họ đánh giá cao, muốn nhập chuối già trồng ở U Minh Hạ nhưng tôi chưa dám nhận tiền cọc vì số lượng có hạn, sợ cung không đủ cầu. Tuy nhiên, tới đây chuối của công ty sẽ được xuất qua thị trường khó tính này. Một khi “vào” được Nhật Bản, chuối Cà Mau dễ dàng “đi” được nhiều nước khác mà đỡ lo về rào cản kỹ thuật” – Tổng Giám đốc Châu Quốc Khải lạc quan khi nói về đầu ra của chuối Cà Mau
Cẩn thận kẻo “trượt vỏ chuối”
Không chỉ các đối tác nước ngoài đến vườn chuối ông Châu Quốc Khải tham quan, tìm hướng hợp tác đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, khi ông Khải đưa chuối “xuất ngoại” thành công, không ít nông dân trong tỉnh đã tìm đến tận nơi tham quan, học hỏi và bước đầu làm theo. Thực tế cho thấy, chuối già Nam Mỹ phát triển khá tốt ở vùng đất nhiễm phèn U Minh Hạ, dễ chăm sóc như chuối bản địa. Tuy nhiên, để quả chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là không hề đơn giản. Tại trang trại của ông Khải, ngoài nguồn cây giống chất lượng tốt, người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… để quả chuối có kích cỡ, mầu sắc theo yêu cầu của đối tác. Ngoài ra, trong suốt quá trình canh tác, người trồng chuối tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất mà chỉ sử dụng phân hữu cơ. Đó cũng là lý do trong tháng 5 vừa qua, chuyên gia nông nghiệp từ Trường đại học Cần Thơ cất công về tận xã Khánh Thuận để chuyển giao quy trình trồng chuối già xuất khẩu cho hơn 100 nông hộ có ý định trồng chuối già Nam Mỹ tại địa phương.
Ông Nguyễn Thành Tâm, một trong những nông dân tham gia lớp tập huấn cho biết: Quy trình trồng chuối cũng không khó, tôi muốn thực hiện ngay trong mùa mưa này nhưng chỉ sợ tới khi thu hoạch không xuất khẩu được. Một số nông hộ khác có ý định trồng chuối xuất khẩu cũng lo ngại về nguồn chuối giống, chi phí đầu tư ban đầu mỗi héc-ta chuối từ vài chục đến gần 100 triệu đồng, vượt xa khả năng của nhiều hộ, nếu không có chính sách “trợ giúp” hoặc vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng.
Đề cập những lo lắng của nông dân, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Cà Mau Châu Quốc Khải cho rằng, ông có vườn chuối giống cấy mô, đáp ứng nguồn giống cho khoảng từ 500 đến 1.000 ha. Ngoài ra, Cà Mau còn một vườn chuối cấy mô khác thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, người dân khỏi đi mua giống ngoài tỉnh, vận chuyển đường dài tốn kém. “Trong kế hoạch liên kết với khoảng 100 nông dân trồng chuối, tôi hỗ trợ người dân nguồn giống ban đầu, hỗ trợ kỹ thuật suốt quá trình trồng đến khi thu hoạch, và cả việc bao tiêu sản phẩm nên hộ liên kết không lo chuyện đầu ra ế ẩm” – ông Khải cho biết thêm.
Tại đồng đất Cà Mau, con tôm, con cá, gạo hữu cơ mang thương hiệu hoa sữa… đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới. Nay, đồng đất lắm phèn U Minh Hạ có thêm nông sản mới mang thương hiệu chuối Cà Mau. Đây cũng là một trong những nhóm ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch phát triển diện tích vườn chuối (trong đó có chuối già Nam Mỹ) lên khoảng 5.400 ha ở các huyện vùng ngọt. Khi đạt tới diện tích gieo trồng nêu trên, sản lượng chuối ở Cà Mau không phải nhỏ. Tuy nhiên, theo PGS, TS Lê Văn Bé, Trưởng bộ môn Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ: Trồng chuối xuất khẩu thấy dễ mà không dễ, bởi từ ngày nông dân bẻ bắp chuối (hoa chuối) tới lúc thu hoạch là 2,5 tháng, chuối buộc phải xuất bán, nếu không chuối sẽ chín đồng loạt, không xuất khẩu được. Do sản lượng quá lớn, cho nên một khi bán không được, chỉ có thể mang chuối cho bò, cho heo ăn. Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh cần tính toán thật kỹ càng, trong đó ưu tiên tính đến việc xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra bền vững cho mặt hàng nông sản này, tránh vấp phải “vết xe đổ” đã từng xảy ra đối với nhiều nông sản khác như thanh long, dưa hấu…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết: “Dù nằm trong ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp nhưng Cà Mau đang rất thận trọng, chưa dám khuyến khích người dân trồng chuối già Nam Mỹ đại trà. Tuy nhiên, với những hộ có ý định trồng loại chuối này, chúng tôi lưu ý bà con nên trồng tập trung, khi trồng phải có hợp đồng bao tiêu đầu ra, phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, quản lý, thu hoạch và sơ chế”.