Theo thông thường, muốn trồng một cây chuối, nông dân phải lấy cây giống từ cây mẹ. Phương pháp này tốn rất nhiều thời gian và rất khó trồng đồng loạt trên một diện tích lớn do chất lượng cây giống không đều và số lượng không lớn. Song, đây không còn là vấn đề nan giải, bởi gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra giống chuối cấy mô bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo số lượng lớn cây chuối giống sạch bệnh trong thời gian ngắn.
Cách đây gần 2 năm, ông Đổ Văn Luyến, nông dân xã Bảo Quang, Thị xã Long Khánh đã quyết định thuê hơn 4 ha đất để trồng chuối cấy mô. Loại chuối mà trước đó, ông đã tìm hiểu khá kĩ qua các buổi tập huấn và sau khi trực tiếp đi tham quan thực tế ở nhiều vườn tại địa phương. Theo ông Luyến, giống chuối này cho chất lượng trái cũng chỉ tương đương với chuối thường. Song, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 loại chuối này nằm ở vấn đề liên quan đến số lượng cây giống. Kiếm ra 2 ngàn 500 cây chuối giống bình thường, có cùng kích thước, cùng thời kỳ phát triển để trồng trên 1 ha đất là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, do được sản xuất bằng phương pháp cấy mô, nên nguồn cung của giống chuối cấy mô là rất lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu trồng chuối trên diện tích lớn của nông dân. Giống chuối này cũng đang có sự vượt trội khá lớn về năng suất so với giống chuối thường. Tại vườn chuối này, 1 ha chuối cấy mô sau 8 tháng cho năng suất gần 25 tấn, cao hơn 7 tấn so với giống chuối thường, với giá bình quân 3000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chủ vườn thu lãi trên 120 triệu đồng/ha.Ông Đổ Văn Luyến cho biết : nếu trồng chuối thường, có đi mua khắp thị xã này cũng không ra nổi 100 cây, lấy gì mà trồng với số lượng lớn. Bởi chuối thường 1 bụi vậy chỉ có 1 đến 2 cây con thôi, mà sinh trưởng lâu. Trong khi với chuối cấy mô, ta có thể mua với số lượng bao nhiêu cũng được, thời gian sinh trưởng bằng nhau nên có thể cho thu hoạch đồng loạt 1 lúc cả ngàn cây, nên tiện lợi lắm. Mà như nhà tôi mới thu hoạch tháng rồi, năng suất nó đạt tới gần 28 tấn, chuối thường làm gì có được năng suất như vậy.
Chuối cấy mô là giống chuối có khả năng chống chọi tốt với sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt ở nhiều vùng đất khác nhau. Theo các chủ vườn chuối cấy mô, loại cây này không đòi hỏi quá cao về kĩ thuật trồng, nhu cầu dinh dưỡng không lớn so với các loại cây khác nên chi phí đầu tư cũng không cao, trong khi thời gian trồng cho đến khi thu hoạch khá ngắn. Đây là lí do khiến diện tích chuối cấy mô trong cả nước đang ngày càng phát triển trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Thanh Giang, một người trồng chuối cấy mô ở Trảng Bom cho biết : giống chuối này sinh trưởng và phát triển rất nhanh, nó không kén phân như giống chuối bình thường hoặc các loại cây trồng khác. Mỗi năm chỉ cần bón hai đợt phân NPK hoặc phân chuồng là đã đủ dinh dưỡng để nó nuôi buồng. Tuy nhiên, để trồng thành công giống chuối này, cần thiết phải đảm bảo được lượng nước. Đây là nhược điểm của nó, bởi nếu thiếu nước, chuối phát triển không đều, cây rất dễ đổ.
Qua ghi nhận, trong khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào trồng chuối cấy mô đã và đang phát triển ở nhiều địa phương. Dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo tìm hiểu, diện tích chuối cấy mô tại Đồng Nai đang ngày một tăng lên. Kèm theo đó, nhiều nhà phân phối giống chuối này cũng đã xuất hiện, thậm chí tại địa phương Long Khánh đang có một công ty chuyên nghiên cứu giống chuối này và cung ứng cây giống không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Hiện nay, Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Nai cũng đang nghiên cứu và trồng khảo nghiệm giống chuối này. Hầu hết nông dân có tham gia trồng chuối cấy mô đều đang rất hài lòng về năng suất, chất lượng và lợi nhuận của giống chuối này.
Hiện tại, một 1 ha chuối cấy mô mỗi năm cho thu lợi trên 100 triệu đồng, thậm chí có nơi lợi nhuận gần 200 triệu/ha. Rõ ràng, cây chuối cấy mô đang có sức hút lớn đối với người nông dân. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn khuyến cáo : do hầu hết sản lượng chuối hiện nay của nông dân đều phải bán cho các thương lái, chưa có sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nên nông dân cũng cần cân nhắc khi quyết định đầu tư trồng với diện tích lớn. Bởi, một khi cung vượt quá cầu, hệ lụy từ việc sản xuất tự phát sẽ một lần nữa gây bất lợi cho người nông dân. Chính vì thế, nếu muốn chuyển đổi sang trồng loại cây này, nông dân cần tham khảo ý kiến của trạm khuyến nông địa phương về kĩ thuật cũng như diện tích trồng để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.
Nguồn: phanbonnamviet