Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay mượn, anh Phạm Năng Thành mạnh dạn đầu tư trồng chuối tiêu hồng trên chính quê hương của mình, thu về hơn 2 tỷ đồng một năm.
Anh Phạm Năng Thành (sinh năm 1979, xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên), một trong những người trồng chuối nhiều nhất huyện Khoái Châu sở hữu căn biệt thự sang trọng, có bể cá, cây cảnh, ô tô trước sân…
Anh sinh ra và lớn lên ở xã Đại Tập, học xong THPT, rời quê lên phố lập nghiệp với việc phụ hồ cho các công trường xây dựng. Năm 2003, anh trở về quê với quyết tâm làm nông dân giỏi, làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.
“Nhận thấy giống chuối tiêu hồng có nhiều lợi thế dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng đất bãi phù sa màu mỡ ven sông Hồng, đặc biệt là giống chuối ngon, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng, nên tôi quyết định mở mô hình trồng loại chuối này”, anh Thành chia sẻ.
Bước đầu gặp khó khăn về nguồn vốn, anh Thành phải vay mượn khắp nơi. Còn lúng túng về kỹ thuật nên ban đầu anh trồng thử nghiệm hơn 2 mẫu chuối, trồng thêm cam, bưởi. Sau một năm, anh thu được hơn 2.000 buồng chuối trĩu quả. Do chưa có thị trường tiêu thụ nên mùa thu hoạch chuối đầu tiên, anh Thành bán ở chợ quê, trừ chi phí, lãi hơn 50 triệu đồng.
Cây chuối đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với lúa, trong khi cam, bưởi khó chăm sóc, bị nhiều bệnh không đem lại năng suất. Năm 2005, anh Thành lấy số tiền lãi từ vụ đầu, vay mượn thêm, mở rộng mô hình lên hàng chục mẫu. Lúc đó, người thân khuyên anh không nên mạo hiểm vì trồng nhiều khó có thị trường tiêu thụ.
Lúc đó, anh chỉ cười bảo: “Mình sẽ tự kiếm mối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu chuối tiêu hồng Đại Tập được nhiều người biết đến”. Nhưng vụ chuối năm ấy may mắn đã không đến với vợ chồng anh. Bao nhiêu vốn, công sức chăm bón chuối đến thời điểm sắp thu hoạch thì tháng 6/2005 cơn bão mạnh đổ bộ vào Hưng Yên, khiến toàn bộ hàng chục mẫu chuối gãy đổ, mất trắng.
Nhưng không vì thế vợ chồng anh Thành bỏ cuộc, họ bảo nhau “vấp ngã ở đâu sẽ cùng nhau đứng dậy chỗ ấy”, cùng nhau vay mượn, cầm cắm sổ đỏ để trồng lại chuối. Chị Nguyễn Thị Yến Tuyết, vợ anh Thành, tâm sự: “Rút kinh nghiệm từ lần thất bại, chúng tôi đã chủ động thay đổi thời gian trồng chuối để tránh gió bão”.
Họ dựng lều ngay ngoài đồng chuối, chăm chỉ bón phân, tưới nước, tỉa lá, dọn cỏ dại cho vườn chuối. Công sức bỏ ra của anh chị được đền đáp, những vụ chuối liên tiếp được mùa. Anh Thành chở chuối đi tiêu thụ ở Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội…, vừa bán vừa quảng cáo thương hiệu chuối tiêu hồng Đại Tập.
Chỉ trong một thời gian ngắn, khách hàng đã trở nên quen thuộc với giống chuối tiêu hồng. Chuối hồng Đại Tập dần trở thành loại trái cây được ưa chuộng trên thị trường. Số lượng người mua chuối tăng dần, anh Thành mua ô tô để chở hàng đi bán ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và sang cả Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều thương lái đã tìm tận nhà anh mua với số lượng lớn.
Trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Thành mua thêm và thuê đất bỏ hoang của nhiều gia đình trong huyện cải tạo lại trồng chuối. Hằng năm, giá thuê đất từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng một sào tùy theo chất lượng đất, ký hợp đồng thuê từ 3 tới 50 năm. Cứ mỗi sào, anh Thành thu lãi 4 triệu đồng mỗi năm, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 2 tỷ đồng từ chuối.
Hằng năm, anh Thành còn bán hơn 200 tấn chuối cho bà con ở địa phương và các xã lân cận. Thấy được nhu cầu của người mua giống chuối tăng dần, anh Thành đã nhân giống chuối bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cung ứng ra thị trường, mỗi năm thu từ 200 – 300 triệu đồng tiền bán mầm chuối. Hiện mô hình trồng chuối của vợ chồng anh Thành tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức lương 4 triệu đồng mỗi người.
Mô hình trồng chuối của anh được nhiều tổ chức, hội viên nông dân ở các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh Thành dự định mở rộng mô hình, thị trường tiêu thụ tạo được thương hiệu cho chuối tiêu hồng Đại Tập, Hưng Yên.
Theo Tiền phong