Kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng thu hoạch đúng tết

chuối tiêu hồng - chuoi tieu hong thu hoach tet 1 - Kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng thu hoạch đúng tết

Trồng chuối tiêu hồng vào đầu năm để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán là mô hình đang trở nên phổ biến, bởi dịp này nhu cầu mua chuối tăng rất cao. 

Chuối là sản vật không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày tết ở mỗi gia đình.

Nhưng để chuối cho thu hoạch vào đúng dịp tết, quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, cần sự tính toán, khéo léo của người trồng. Và nông dân trồng chuối mỗi nơi lại có những bí quyết riêng, bởi đồng đất, khí hậu mỗi nơi mỗi khác.

Vườn chuối tiêu hồng hút khách

Ở xã Tiên Tiến (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), nhiều nông dân chọn trồng giống chuối tiêu hồng (hay còn gọi là chuối lùn) để bán dịp Tết. Nhờ cây chuối, nhiều nhà khấm khá lên trong những năm gần đây.

Vườn chuối tiêu hồng sạch sẽ, thoáng đãng, đều tăm tắp chuối tiêu hồng - chuoi tieu hong thu hoach tet 1 - Kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng thu hoạch đúng tết
Vườn chuối tiêu hồng sạch sẽ, thoáng đãng, đều tăm tắp

Xã Tiên Tiến 3 mặt giáp sông, được phù sa sông Luộc, sông Thái Bình và Bắc Hưng Hải bồi đắp nên đất đai màu mỡ, rất hợp với cây chuối tiêu hồng. Đây là giống chuối cho quả to, thơm ngon, ngọt, hình thức đẹp nên được thị trường ưa chuộng.

Thời điểm này, về xã Tiên Tiến đã thấy tấp nập thương lái đi chọn, đặt mua chuối. Chúng tôi vào thăm vườn chuối nhà ông Vũ Huy Tập – “kho chuối” của thôn Nghiện như bà con quanh đây đùa vui. Ông Tập là người tiên phong trong thôn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chuối. Ông không chỉ trồng nhiều chuối nhất thôn, mà chuối vườn nhà ông còn ngon, đẹp có tiếng khắp vùng.

Theo chân ông Tập tham quan vườn chuối, khách thấy vườn sạch sẽ, đẹp như tranh vẽ, trong đó những cây chuối xếp hàng ngay ngắn, cây nào cây nấy treo một buồng quả lớn, nặng trĩu, tất cả đều tăm tắp.

Chủ nhân vừa chăm chú xem xét từng cây chuối, vừa cho biết: “Chục năm về trước, đây là ruộng nhà tôi cấy lúa nhưng hiệu quả kém. Sau đó tôi xin chuyển đổi sang trồng chuối. Tôi phải bỏ nhiều công bơm cát lên ruộng, đánh luống mới bắt đầu trồng. Giống chuối tiêu hồng này dễ trồng, lại sống khỏe”.

Ông tự để giống từ mùa trước sang mùa sau. Mỗi cây mẹ thường sinh ra 5 – 10 chồi, ông chọn 3 chồi khỏe nhất, mập mạp, màu sắc sáng đẹp (có màu hồng) để lại làm giống. Tháng 2 âm lịch, ông bắt đầu trồng một loạt.

Gia đình ông có trại nuôi gà nên luôn sẵn nguồn phân chuồng ủ mục để bón lót cho chuối. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc chuối, ông bón thêm phân NPK. “Nhưng bón phân cũng phải từ từ, nếu chăm quá thì chuối sẽ ra buồng sớm trước tết, bán không được giá! Riêng tưới nước thì phải thường xuyên, vì chuối cần nhiều nước”, ông Tập nói.

1 cây chuối tiêu hồng, 3 cọc tre

Đi trong vườn chuối được trồng với mật độ tương đối cao (mỗi cây cách nhau hơn 2m) nhưng vẫn thấy thoáng đãng, sạch sẽ, bởi chủ nhân luôn chú ý làm cỏ và cắt tỉa lá chuối già, bệnh. Tất cả các buồng chuối đều đã được cắt bỏ bắp (hoa chuối) và bọc bằng túi nilon.

Ông Tập vui vẻ cho biết: “Cắt bắp chuối đi để những nải dưới cùng được nuôi to hơn. Bắp chuối cũng bán rất tốt ở chợ, giá 5 – 6 nghìn đồng/bắp. Ngoài ra, thu hoạch quả xong, tôi còn bán được cả lá và thân cây chuối”.

Ông Tập chăm sóc vườn chuối tiêu hồng chuối tiêu hồng - chuoi tieu hong thu hoach tet - Kinh nghiệm trồng chuối tiêu hồng thu hoạch đúng tết
Ông Tập chăm sóc vườn chuối tiêu hồng

Các buồng chuối được bọc ni lông, một đầu buộc kín vào cuống buồng, đầu bên dưới để hở. Theo chủ vườn thì túi ni lông giúp che sương cho quả chuối vào buổi tối. Ban ngày thì lại mở túi ra để chuối lấy nắng.

Điều đáng chú ý ở vườn chuối của ông Tập là mỗi cây chuối đều có đến 3 cọc tre thẳng, chắc chắn chống đỡ. Đây là những cọc tre dùng để đóng móng nhà, ông phải mua hơn 10 nghìn đồng/cọc. Theo chia sẻ của ông thì cọc tre là phần chiếm nhiều công sức và chi phí nhất trong vườn chuối.

Mỗi thân cây chuối được nẹp chặt bằng 2 cọc, một cọc còn lại chống đỡ buồng. Chỉ vào những gốc chuối “có thêm 3 chân”, ông bảo: “Kỳ công nhất là chuyện cọc! Quê ta gần biển, bão gió nhiều, thân chuối lại mềm, buồng quả thì nặng, tôi dùng cọc cho chắc. Phải chôn cọc, chằng buộc kỹ. Những cọc tre này chỉ dùng được 2 năm, năm nay chôn đầu cọc này thì năm sau phải đổi, chôn đầu kia. Nếu trồng chuối tây thì không cần que chống, nhưng đến tết, chuối tây không được giá bằng chuối tiêu hồng”.

Muốn đón tết, chuối tiêu hồng phải trổ buồng đúng rằm Trung thu

Khách thú vị khi thấy những con số ngày tháng hoặc tên người được khắc trên các cuống buồng chuối. Chủ vườn giải thích, ngày tháng trên đó là ngày ra buồng, ghi lại để theo dõi, còn tên người là khách đặt mua từ khi buồng bắt đầu trổ.

Chuối vườn nhà ông đắt hàng đến nỗi, giáp tết người ta tranh nhau mua. Thế nên, nhiều người, để cho “chắc ăn”, đã đặt mua cả buồng từ lúc buồng mới nhú. Chủ và khách thỏa thuận là nếu buồng chuối chín trước tết thì khách vẫn phải mua mang về, còn nếu chuối chín muộn sau tết thì chủ phải đền buồng khác cho khách.

Nhưng hầu như chẳng bao giờ chủ hay khách phải ngậm ngùi, bởi ông có bí quyết để “bắt” chuối tiêu hồng cho thu hoạch đúng dịp tết. Ông bảo, ông cố gắng làm sao cho chuối ra bắp đúng rằm tháng 8 âm lịch thì giữ được buồng đến tết. Nếu sớm hơn một chút thì sẽ phải thu hoạch vào dịp tết Ông Táo (23 tháng Chạp)! Muộn thì qua mất tết. Nhiều người quanh vùng cũng đánh cây chuối con vườn ông tập về trồng nhưng vẫn có khi phải thu hoạch sớm hoặc muộn dịp tết.

Vài trăm buồng chuối nhà ông đang sẵn sàng bán dịp tết này. Theo chủ vườn, tết năm nay ông sẽ bán được giá hơn mọi năm, ít nhất là 300 nghìn đồng/buồng, lúc khan hàng có khi lên đến cả triệu đồng. Trong khi đó, chi phí “hầu như không đáng kể, chỉ tập trung vào cọc tre” như ông nói. Tiền lãi thu được gần chục triệu đồng mỗi sào, gấp nhiều lần trồng lúa. Không chỉ khách ở Hải Phòng mà còn từ nhiều địa phương lân cận biết tiếng đã đến vườn hoặc gọi điện thoại đặt mua chuối.

HÂN MINH
Nguồn: NNVN
Chuối Cấy Mô